Tiết kiệm thời gian nhờ ứng dụng theo dõi xe buýt
Ứng dụng có giao diện đơn giản, tiện dụng, được thiết kế để phù hợp với mọi đối tượng; cập nhật liên tục các chuyến xe, giờ xe và lộ trình một cách nhanh chóng nhất; tiết kiệm thời gian, giúp bạn không bị lỡ xe hay đợi xe quá lâu.
Với ý nghĩa thực tiễn đó, ứng dụng của hai bạn đã xuất sắc vượt qua 116 đề tài khác để trở thành 1 trong 6 đề tài đại diện cho Thừa Thiên - Huế tham dự Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc năm 2017 tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào tháng 3 sắp tới, đồng thời giành giải Nhất cuộc thi ‘Khoa học- kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017’ do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.
Chia sẻ về lý do tạo ra ứng dụng này; hai học sinh Trương Đình Phú (lớp 11) và Hoàng Đức Tân (lớp 12, trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, xuất phát từ việc thường xuyên phải chờ đợi xe buýt mà không biết bao lâu nữa xe đến, xe hiện đã chạy đến vị trí nào rồi.
Mặt khác, theo sự tìm hiểu của hai bạn, ở các nước phát triển, các hệ thống quản lý xe buýt đã giải quyết tốt nhu cầu người dùng, nhưng đòi hỏi chi phí triển khai rất lớn, chưa phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng.
Tân nói: “Tụi em từng trải qua nhiều lần bắt xe buýt và phải đợi rất lâu vì không nắm được giờ xe cụ thể. Cùng với đó, các xe chưa có giải pháp định vị đồng bộ và có thể phát triển ứng dụng cho di động”. Chính vì vậy, Phú và Tân đã quyết định tự mày mò để tạo ra ứng dụng xe buýt thông minh.
Tháng 3/2016, các em bắt đầu tìm tòi thực hiện đề tài này. Theo đó, trên mỗi chiếc xe buýt sẽ được lắp đặt thiết bị định vị GPS, khi xe hoạt động sẽ gửi thông tin vị trí về máy chủ. Phú và Tân sẽ xây dựng hệ thống hiển thị thông tin đó cho người dùng. Bên cạnh đó, các thông tin về lịch chạy, chuyến xe cũng được đưa lên để tiện tra cứu.
“Trong quá trình thực hiện, tụi em gặp không ít khó khăn, thứ nhất là chưa có nhiều kinh nghiệm, thứ hai là tài liệu liên quan ở Việt Nam rất ít và chi phí thực hiện còn hạn hẹp. Tuy nhiên, gia đình, nhà trường và công ty xe buýt Hoàng Đức đã ra sức tạo điều kiện cho tụi em”, Tân nói.
Hiện tại, ứng dụng mới được phát triển cho hệ điều hành Android. Để trải nghiệm, người dùng vào Google Play Store rồi gõ tìm kiếm “Xe buýt Huế - Smartbus” để tải xuống. Ở màn hình chính, người dùng có thể theo dõi được tất cả tuyến xe hiện có trên hệ thống. Người dùng tiến hành chọn tuyến xe, ứng dụng sẽ hiện thị đầy đủ thông tin về chuyến xe đó như: số tuyến xe, các chuyến xe, chuyến xe gần nhất, lộ trình xe.
Ứng dụng đã được đưa vào vận hành thử nghiệm tại công ty xe buýt Hoàng Đức – Huế và được lãnh đạo công ty xe buýt này chứng nhận đã hoạt động ổn định, có hiệu quả, dữ liệu gửi lên chính xác, độ sai số thấp. Chỉ sau hơn một tuần, từ 13 đến 19/1/2017, đã có 154 lượt tải từ người dùng và được đánh giá 4,9/5 sao.
Phú tự đánh giá: “Đây là một giải pháp tốt. Ứng dụng có giao diện đơn giản, tiện dụng, được thiết kế để phù hợp với mọi đối tượng; cập nhật liên tục các chuyến xe, giờ xe và lộ trình một cách nhanh chóng nhất; tiết kiệm thời gian, giúp bạn không bị lỡ xe hay đợi xe quá lâu”.
Thầy Hoàng Văn Sơn, Hiệu phó trường THPT An Lương Đông cho biết, hai em Tân và Phú là học sinh khá của trường và rất đam mê nghiên cứu khoa học. “Đề tài hệ thống xe buýt thông minh của hai em có tính mới và phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, ứng dụng đã được áp dụng cho tuyến xe bus số 10 (Huế)”, thầy Sơn chia sẻ.
Chia sẻ về hướng phát triển tiếp theo, Phú và Tân có dự định sẽ phát triển thêm cho hệ điều hành iOS để có thể mở rộng thêm nhiều người dùng.
Nhật Tuấn