Cần lắm những thùng rác thông minh
Tại Ngày hội tái chế chất thải lần thứ 10 được tổ chức tại Cung văn hóa lao động (Quận 1, TP.HCM) với chủ đề 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế) trong sản xuấtvà tiêu dùng bền vững. Ý tưởng mà các bạn trẻ đưa ra tại cuộc hội thảo này mới chỉ là những gợi ý để các nhà khoa học trẻ Việt Nam có thể phát triển thành các sản phẩm phục vụ sinh hoạt với ứng dụng khoa học cao.
Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM năm 2016, trên địa bàn thành phố có khoảng 7.500 – 8.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều và ai cũng có thể thấy hằng ngày một lượng lớn rác bị vứt bừa bãi khắp nơi. Ngoài ý thức của người dân, còn có những bất cập khác như thời gian lấy rác chưa phù hợp, thiếu quá nhiều thùng rác công cộng khiến môi trường và sức khỏe người dân xung quanh bị ảnh hưởng.
Các bạn trẻ tham gia Hội thảo đã đưa ra nhiều ví dụ từ các nơi trên thế giới xung quanh những thùng rác thông minh.
“Cuối năm 2016, lần đầu tiên đặt chân đến Singapore du lịch, đường phố sạch sẽ khiến tôi cảm thấy choáng ngợp. Điều khiến tôi thú vị nữa là các thùng rác công cộng tại khu mua sắm sầm uất Orchard Road không chỉ đựng rác mà còn là trạm phát wifi miễn phí”, một bạn trẻ chia sẻ.
Quá thích thú nên qua tìm hiểu, chỉ trong đoạn đường 500m có đến 10 thùng rác được trang bị wifi. Thùng rác thông minh được trang bị cảm biến, gửi email hoặc tin nhắn báo động khi lượng rác sắp đầy thùng đến điện thoại của nhân viên vệ sinh khu vực. Hệ thống nén giúp thùng rác thông minh có sức chứa gấp 8 lần so với thông thường.
Ngoài ra, thùng rác bằng năng lượng mặt trời và có hệ thống lưu năng lượng dự trữ. Nhờ đó, các nhân viên vệ sinh chỉ cần dọn rác một lần mỗi ngày thay vì năm đến bảy lần như trước kia. Cũng nhờ tính năng này tình trạng người dân vứt rác xuống đất khi thùng rác đầy cũng giảm mạnh. Ở đây cũng hiếm thấy hình ảnh một bạn trẻ vừa đi vừa ăn vặt. Người xả rác sẽ bị phạt rất nặng nếu mắc phải những lỗi ảnh hưởng đến môi trường và nơi công cộng.
Nhiều bạn trẻ khác chia sẻ những thông tin về vấn đề rác nơi công cộng và cùng chia sẻ. Ví dụ ở Nhật, đường phố vô cùng sạch sẽ. Tại các điểm công cộng, đường phố chúng ta sẽ khó bắt gặp những chiếc thùng rác công cộng khi người dân đã hoàn toàn tuôn thủ nghiêm ngặt quá trình xử lí và phân loại rác thải. Sau quá trình phân loại rác thải, có thể sử dụng thùng rác tại một số quán ăn hoặc có thể mang về thùng rác của chính gia đình mình.
Tại Hàn Quốc, việc đặt thùng rác công cộng đã ngưng từ 30 năm về trước. Ai có nhu cầu có thể “gửi” rác lại các nơi vừa mua sắm để hộ vứt hộ hoặc phải tự tìm lấy một khu vực cho phép bỏ rác.
Dân Pháp nổi tiếng lãng mạn thì các thùng rác ở Paris đều có tẩm dầu thơm và có chỗ cắm hoa. Những cuộc thi “Hoa hậu đổ rác” hoặc “Siêu mẫu quét rác” được tổ chức thường xuyên, có rất đông bạn trẻ tham gia…
Quay trở lại VN, nhóm bạn trẻ quan tâm đến vấn đề này của mình nêu suy nghĩ: “Nhiều nơi đang nỗ lực lấy lại lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ. Chúng tôi rất ủng hộ, và ủng hộ hơn nữa đường phố xanh sạch, không rác, không nhếch nhác, văn minh, ý thức”.
Trong khi chờ sự thay đổi từ ý thức thì việc thêm nhiều thùng rác thông minh cho thành phố là việc có thể làm ngay để giữ gìn thành phố sạch đẹp. Một chiếc thùng rác thông minh ở Việt Nam sẽ được thiết kế như thế nào trong tương lai để đáp ứng thực trạng của Việt Nam cũng là mong đợi của không chỉ các bạn trẻ tham dự Hội thảo.
P.V Tổng hợp