Thầy trò trường làng chế xe canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh

Tận dụng nhiều vật liệu tự tìm kiếm được, thầy trò Trường THPT Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã chế chiếc xe có thể phun xịt; cắt bông cỏ, lúa 2 tầng; sạ hàng; đánh rãnh thoát nước… điều khiển từ xa.

Nhóm học sinh thực hiện chiếc xe hứa hẹn sẽ hỗ trợ tốt cho bà con nông dân là Lê Văn Duy (lớp 10A2) và Trần Văn Thương (lớp 11TN2) ở cùng Trường THPT Vị Thủy. Với mục đích làm giảm tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người, công trình này đã giúp Thương và Duy giành giải nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 – 2017 khu vực phía Nam.

Nói về nguyên nhân để nghiên cứu tạo ra chiếc xe đặc biệt này, Duy và Thương cho biết gia đình các em sống ở quê, chỉ làm lúa kiếm sống, hằng ngày thấy cha mẹ và bà con nông dân ra ruộng phun thuốc từng bình, cắt cỏ rất cực khổ, nên các em nảy ra ý tưởng làm ra được chiếc xe để cha mẹ đỡ tốn công sức. Ngoài việc hỗ trợ cho sản xuất, thiết bị thế này nếu làm thành công sẽ giúp giảm tác hại của thuốc bảo vệ thực vật khi trực tiếp tiếp xúc với con người.

“Em từng xem trên mạng cũng có một số sản phẩm hỗ trợ cho nông dân nhưng sử dụng động cơ đốt trong nên ảnh hưởng đến môi trường, chi phí khá cao. Còn dự án của chúng em nhẩm tính chi phí chỉ gần 5 triệu đồng”, Thương nói.

Sau khi có ý tưởng, Thương, Duy bàn bạc với nhau và được thầy Lưu Hoàng Thức (giáo viên dạy thể dục của trường) hướng dẫn. Theo lời kể của Thương, khi bắt tay vào thực hiện chiếc xe này, thầy trò gặp rất nhiều khó khăn do trình độ, kiến thức còn hạn chế cũng như thiếu thốn trang thiết bị. “Đặc biệt khi thiết kế khung sườn, chúng em phải hơn 3 lần thiết kế mới có được một bộ khung ưng ý. Rồi mạch điều khiển chúng em phải đặt làm. Không chỉ vậy, việc chọn và thiết kế bánh xe phù hợp với địa hình đồng ruộng cũng là vấn đề làm khó các em”, Thương chia sẻ.

Còn thầy Thức tâm sự: “Ý tưởng sáng tạo của các em làm tôi rất bất ngờ khi chọn áp dụng theo mô hình điều khiển từ xa như những chiếc xe đồ chơi nhỏ của các em bé. Ý tưởng thì có, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, khó khăn hơn nhiều do chưa chọn được mô hình lắp ráp phù hợp, lý thuyết thực hiện nhiều hạn chế. Nhưng được sự hỗ trợ của nhà trường và một số đồng nghiệp của tôi mà các em đã hoàn thành chiếc xe độc đáo này ngoài mong đợi”.

Mô hình chiếc xe hỗ trợ canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh của Thương và Duy khi hoàn thành gồm 3 bánh xe, với 2 bánh xe lớn phía trước và 1 bánh xe nhỏ ở phía sau. Xe có thể điều khiển từ xa với khoảng cách khoảng 100 mét. Đặc biệt, xe sử dụng năng lượng xanh (ánh sáng mặt trời) kết hợp với bình ắc quy, đã giảm bớt chi phí cho người dân và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, rất nhiều bộ phận được Thương và Duy tìm kiếm tận dụng lại để giảm chi phí cũng như khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị.

“Chúng em tận dụng bộ sườn xe đạp đã hư hỏng, sơn sửa lại, kết hợp với thiết kế thêm một số bộ phận bằng sắt khác để xe như chiếc ba gác để có thể mang gánh các vật dụng phụ trợ bên dưới như bình đựng thuốc khi xịt, lắp ráp cần xịt, hay hộc đựng cỏ… Hiện chiếc xe có thể thực hiện nhiều chức năng như: phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cắt bông cỏ, lúa 2 tầng, sạ hàng, đánh rãnh thoát nước, san phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ… Xe sẽ giúp bà con giảm tối đa chi phí trên đồng ruộng và nhất là giảm tác hại khi sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng”, Thương nói.

Theo Thương và Duy, thời gian tới các em và thầy Thức sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp chiếc xe này, đặc biệt ở các bộ phận bánh xe, cần phun; sẽ mua những tấm pin lớn hơn để sạc bình ắc quy nhanh hơn, dòng điện mạnh hơn giúp xe chạy lâu hơn.… Từ đó có thể triển khai áp dụng thực tế trên đồng ruộng nhằm giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí mà vẫn cho năng suất cao.

Theo Thanhnien