Nhóm nữ sinh trẻ sáng chế lều năng lượng Mặt Trời cho người vô gia cư
Thành phố San Fernando, gần Los Angeles, có tỷ lệ người vô gia cư tăng nhanh và năm ngoái đã có 7.094 người không có nhà ở. Daniela Orozco cùng những người bạn của mình mong muốn được giúp đỡ nhưng không chỉ bằng việc cho họ tiền.
Nhóm những người bạn nữ này bắt đầu họp lại và đưa ra ý tưởng táo bạo: một chiếc lều sử dụng năng lượng Mặt Trời, có thể gấp xếp lại thành một chiếc balô.
Ý tưởng của họ hiện được Google và YouTube hỗ trợ, sau bao nhiêu lần thất bại, và giờ là lúc đạt được thành quả.
Những cô gái tuổi teen gốc Latin đang theo học tại trường Trung học San Fernando đã cùng nhau làm việc với bằng sáng chế của họ trong suốt năm qua.
Vào 16/6 vừa qua, họ đã giới thiệu sản phẩm của mình tại MIT, trong khuôn khổ hội nghị những nhà phát minh trẻ.
Những cô gái thiếu niên này trước đây chưa hề biết đến mã khóa, hàn cơ khí, khâu thêu, may vá hay in 3D, nhưng sản phẩm của họ nhận được 10.000 USD từ chương trình Lemelson-MIT để tiếp tục công việc sáng chế của mình. Sau đó, họ được nhận vào làm ở DIY Girls - một tổ chức phi lợi nhuận hướng dẫn các cô gái từ những cộng đồng thu nhập thấp về kỹ thuật, toán học và khoa học.
Khi được thành lập vào năm 2012, DIY Girls đã làm việc với 35 bé gái từ một trường tiểu học. Số lượng này tăng nhanh hơn, năm ngoái họ đã nhận 650 cô gái từ các trường tiểu học và trung học khắp Quận Los Angeles. Tổ chức phi lợi nhuận này hiện còn rất nhiều đơn xin gia lập ở danh sách chờ.
“Tôi học ngành kỹ thuật hàng không, tôi là nữ sinh duy nhất trong lớp và có lẽ cũng là người gốc Latin duy nhất. Cứ như tôi là người đại diện cho cộng đồng người Latin tại khu vực này, tuy nhiên họ không muốn điều đó.
Hầu hết những đứa trẻ Latin sống tại đây nhận thấy cha mẹ mình không phải kỹ sư, nên chúng sẽ không học đại học. Tôi không muốn các cô gái ở đây cũng phải mặc cảm như thế,” cô Evelyn cho biết.
Lúc đầu, các bạn vẫn còn chưa quen biết nhau và phải để Evelyn giúp đỡ rất nhiều. Nhưng sau đó nhanh chóng, họ trở nên thân thiết với nhau và cùng nhau làm việc rất tốt, nhanh chóng bắt nhịp và làm quen với mọi thứ.
Nếu có vấn đề với tấm pin năng lượng Mặt Trời, họ sẽ tìm kiếm cách khắc phục trên mạng, mọi thứ đều được giải quyết một cách linh hoạt.
“Những cô gái vừa học những thứ mới và vừa ứng dụng nó ngay vào thực tế, họ chưa từng được biết về chiếc lều có đèn pin, hai cổng USB, một cổng micro-USB hay thậm chí là đèn UVC sát trùng trên một bộ đếm ngược, mà giờ họ đã biến những điều đó thành sự thật,” lập trình viên Chelly Chavez hỗ trợ kỹ thuật cho dự án, chia sẻ.
Các cô gái làm việc trong dự án của mình mỗi sáu ngày một tuần, kết hợp với nhau suốt từ đông sang xuân. Họ về nhà sau nhiều giờ may vá và lắp ráp.
Nhóm các nữ sinh đã sáng tạo ra hai mẫu lều và hiện đang kiểm tra chất lượng của nó trước khi đưa vào sử dụng, họ rọc nó với một con dao, ngâm nó trong nước và dẫm đạp lên chiếc lều.
“Lần đầu khi nhìn thấy các bạn ra sức tàn phá chiếc lều mình vừa tạo ra, cảm giác rất khó chịu, để rồi sau đó phải làm lại từ đầu.
Nhưng bây giờ em đã biết đây là một quá trình phải có trong việc tạo ra sản phẩm,” Paulina Martinez cho biết. Đây là một trong những bài học khắc nghiệt về kỹ thuật đầu tiên mà các cô gái phải biết.
Trước khi đưa ra ý tưởng về chiếc lều năng lượng Mặt Trời này, nhóm đã từng đưa ra nhiều lựa chọn khác như làm thế nào để xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước? Nhưng họ bỏ qua và chọn sáng tưởng này bởi họ mong muốn được đóng góp trực tiếp và nhanh nhất cho cộng đồng.
“Chúng em sống ở đây, trên đường đi học mỗi ngày đều gặp được những người nghèo khổ và không gia đình nhà cửa.
Nên việc cần nhất chúng em sẽ làm là tạo ra một thứ gì đó để giúp đỡ những người tội nghiệp này,” Maggie Mejia chia sẻ. Maggie và các bạn hiện vẫn chưa định hướng được tương lai sẽ như thế nào sau dự án này, nhưng họ hy vọng sẽ được các công ty mua sáng chế và sản xuất hàng loạt sản phẩm của mình.
Dù nhận được khoản tiền 10.000 USD từ Chương trình Lemelson-MIT, nhưng số tiền này chỉ được dùng vào việc phát triển sáng chế.
Để bay đến Cambridge, Massachusetts trình bày ý tưởng của mình, họ phải cần thêm 15.000 USD nữa cho chi phí vận chuyển và ở lại, DIY Girls đã tài trợ khoản này bởi cha mẹ của các cô gái sẽ không có khả năng chi trả được.
Khi ý tưởng được trình bày, các đài truyền hình địa phương đã đưa tin và rất nhiều người biết đến họ. Những chuyên gia mong muốn những nhà phát minh trẻ này tiếp tục theo đuổi sự nghiệp bằng con đường công nghệ kỹ thuật này.
“Mặc dù chỉ là những nữ sinh duy nhất trong các lớp học kỹ nghệ, nhưng em cùng cô bạn này - chỉ tay vào Kassandra Salazar - mong muốn sẽ làm được những điều ý nghĩa cho xã hội và thay đổi tình hình khi rất ít những nữ sinh Latin chịu theo bước học lên cao ở các ngành công nghệ,” Paola Valtierra chia sẻ.
Quang Niên (Theo mashable)