MS-015: Từ Biên Hòa, anh Tân lên Sài Gòn hớt tóc miễn phí
“Nhìn thấy bệnh nhân, cô chú bán vé số, chạy xe ôm tươi cười khi có đầu tóc mới, tôi được tiếp thêm động lực cho lên Sài Gòn hớt tóc miễn phí hơn một năm qua”.
Hình ảnh ba chàng trai trẻ đang cần mẫn tạo kiểu tóc trên vỉa hè cho mọi người, cạnh đó là tấm bảng với dòng chữ ngắn “Hớt tóc từ thiện, thứ 2 hàng tuần, nam-nữ” treo trên cột đèn đường, trước cổng Viện Tim TP.HCM, đường Thành Thái, quận 10 đã trở nên quen thuộc đối với mọi người nơi đây.
Dành một ngày duy nhất để “cắt tóc miễn phí”
Đều đặn 9 giờ sáng thứ Hai hằng tuần, anh Võ Duy Tân, 30 tuổi cùng hai người bạn đi xe máy từ Biên Hòa (Đồng Nai) lên tận Sài Gòn để hớt tóc miễn phí cho người nghèo.
Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh Tân đến với việc “hớt tóc miễn phí cho người nghèo”, anh chia sẻ: “Ban đầu, bạn bè ở Sài Gòn giới thiệu, rủ tham gia chung, thấy thích và ý nghĩa nên tôi đã đồng ý.
Quan trọng hơn, tôi nghĩ làm việc này mình vừa có thể say mê với nghề, vừa giúp đỡ cho những người nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Thay vì họ phải tốn 30-40 ngàn vào tiệm hớt tóc, tôi có thể giúp họ tiết kiệm được số tiền này, để họ có những bữa cơm ngon hơn”.
Nhiều người biết anh Tân ở Đồng Nai, thắc mắc sao không hớt tóc ở Đồng Nai mà lặn lội lên tới Sài Gòn. Anh tươi cười nói ở Sài Gòn có vỉa hè rộng.
Bệnh viện thường tập trung nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, các cô chú bán vé số, xe ôm nghèo khó nên sẽ có nhiều người cần hớt tóc hơn.
Lúc trước, anh Tân thường cắt vào thứ Hai hoặc thứ Ba nhưng sau này công việc nhiều, anh chỉ dành được một ngày duy nhất để hớt tóc cho mọi người.
Có hôm anh cùng bạn mang cả thùng đồ nghề vào tận giường bệnh để hớt tóc cho bệnh nhân nghèo. Chú Lê Văn Hai (quê ở Ninh Thuận) vừa được anh Tân cắt tóc xong vui mừng nói:
“Tui vô đây nuôi vợ bị bệnh tiểu đường. Cả tháng nay đầu tóc bù xù nhưng chưa có cơ hội đi hớt, thấy mấy anh hớt tóc miễn phí ở trước cổng bệnh viện, tui nhờ hớt giùm. Tui vui lắm vì có được đầu tóc gọn gàng mà lại không tốn đồng bạc nào. Mấy chú này thật tốt bụng”.
Bé Lê Hữu Thắng, quê ở Đắk Lắk, mới 10 tuổi bị bệnh tim rất thích cái đầu mới do các chú hớt cho. Chị Lê Thị Loan, mẹ bé, chia sẻ:
“Mẹ con tôi vừa khám bệnh xong, đi ngang thấy các anh nên ghé lại nhờ hớt giùm cho con. Thằng bé thích lắm”.
Quên ăn vì mê hớt tóc miễn phí
Tuần nào cũng vậy, anh Tân và các bạn cứ say mê hớt tóc từ 9 giờ sáng cho tới 4 giờ chiều mới về. Anh kể có hôm đông bệnh nhân và người nghèo qua đường xếp hàng đứng chờ đến lượt hớt tóc miễn phí, các anh phải tranh thủ làm thật nhanh đến nỗi quên cả ăn.
Có những lúc quá đói, khát khô cả họng, anh mới chạy đi mua ít gì đó lót dạ. Tầm 4 giờ chiều, khi đã vãn người qua lại, anh lại gói ghém đồ nghề bỏ vào thùng, chạy xe máy về lại Đồng Nai.
Công việc hớt tóc miễn phí của anh Tân nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự cũng rất khó khăn.
Anh tâm sự có hôm anh và người bạn đồng nghiệp đang hớt tóc cho bệnh nhân, lực lượng chức năng xuất hiện, anh bị tịch thu hết mấy cái ghế nhựa dành cho bệnh nhân ngồi cắt tóc.
Sau những lần như vậy, họ biết anh cắt tóc miễn phí cho người nghèo nên cũng rất chia sẻ, chủ yếu là nhắc nhở.
Đôi lúc có những người qua đường cảm kích trước nghĩa cử, hành động đẹp của các anh, dúi vào tay anh vài trăm ngàn nhưng anh tuyệt đối không nhận.
Anh nói có người cảm kích, mua cho anh và đồng nghiệp một vài chai nước suối thì anh vui vẻ nhận, chứ tiền thì anh kiên quyết từ chối.
“Mình đã xác định làm việc thiện, hớt tóc miễn phí cho người nghèo mà lại nhận tiền giúp đỡ của người ta coi sao được, mất hết ý nghĩa của công việc mình đang làm” - anh dứt khoát.
“Có những lúc mệt quá muốn nghỉ một hôm nhưng cứ nghĩ nếu không có mình thì nhiều người muốn hớt tóc phải trông ngóng, đợi chờ khiến tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm” - anh Tân cười chia sẻ.
Tại cửa tiệm, anh cũng thường xuyên hớt tóc miễn phí cho bà con nghèo. Anh Tân cho biết anh và bạn bè mình sẽ cố gắng duy trì việc hớt tóc miễn phí mỗi tuần.
Bởi với anh việc giúp đỡ người nghèo cũng là cách để được san sẻ với họ nỗi đau, nỗi khó khăn.
Có lần tôi và anh Tân vào tận giường bệnh để cắt tóc cho một chị khoảng 40 tuổi. Chị từ dưới quê lên thành phố trị bệnh.
Chị bị ung thư, mái tóc lưa thưa, rụng gần hết. Chị yếu lắm, không đi nổi nên người nhà mới ra gọi vào nhờ cắt tóc để chị được gọn gàng hơn.
Cầm tông-đơ để hớt tóc mà tay chúng tôi run run, không phải vì sợ mà vì quá thương cảm và xúc động trước hoàn cảnh bệnh tật của người phụ nữ đáng thương này.
Anh PHẠM LỤP, đồng nghiệp thân của anh Tân chia sẻ.
Nguyễn Đước - Minh Tâm (Báo Pháp luật TP. HCM)