Nam sinh Huế chế tạo Hệ thống tự động xử lý cháy nổ dựa trên công nghệ nhận diện giọng nói

Trước tình trạng nhiều vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra thường xuyên tại nhiều địa phương, thành phố trên cả nước, hai nam sinh Hoàng Đức Tân và Trương Đình Phú đến từ Trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chế tạo ra hệ thống ‘Dùng giọng nói để điều khiển và giám sát nhà ở’, có khả năng tự động xử lý các sự cố cháy nổ.

Theo đó, hệ thống do hai em chế tạo có các bộ phận như: Bộ điều khiển trung tâm, bộ cảm biến khí gas, cảm biến nhiệt độ, module sim 900A giúp người dùng gọi điện, nhắn tin tới một số đã được lập trình trên vi điều khiển, màn hình LCD để hiển thị nhiệt độ, độ ẩm, trạng thái khí gas.

Khi hoạt động, người sử dụng sẽ dùng một ứng dụng cài trên điện thoại Android để ra lệnh bằng giọng nói. Điện thoại gửi lệnh tới hệ thống đã được lập trình sẵn để thực thi.

"Hệ thống có thể giám sát được trạng thái đóng mở của các thiết bị cũng như các thông số nhiệt độ, độ ẩm và khí gas. Hệ thống cũng có hỗ trợ cả kết nối Internet lẫn Bluetooth", Hoàng Đức Tân cho biết.

Với hệ thống điều khiển tự động, bộ cảm biến liên tục đo các thông số nhiệt độ, độ ẩm và khí gas rồi hiển thị trên màn hình LCD. Khi phát hiện cháy hay rò rỉ khí gas, hệ thống sẽ tự động tắt các thiết bị điện trong ngôi nhà, bật hệ thống quạt thông gió từ nguồn điện dự phòng, đồng thời báo lên website, gọi điện và gửi tin nhắn đến cho chủ nhà.

Phú cho biết thêm, điểm vượt trội của hệ thống chính là việc sử dụng bộ nhận diện giọng nói của Google Voice để nhận diện chính xác kể cả trong môi trường có tiếng ồn, hỗ trợ được nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt.

Ngoài ra, mạng Internet và sóng điện thoại ở nước ta được phủ khá rộng nên rất thuận tiện cho việc giám sát điều khiển thiết bị trong ngôi nhà.

Đề tài của Hoàng Đức Tân và Trương Đình Phú đã giành giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016 và giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016.

“Sau một thời gian thu thập dữ liệu, chúng em mất 6 tháng để nghiên cứu, chế tạo và lập trình với rất nhiều phiên bản đã ra đời.

Các linh kiện điện tử có giá thành tương đối thấp nên chi phí sản xuất rẻ hơn so với các sản phẩm khác (khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm)”, Tân chia sẻ.

Thầy Đào Văn Phụng (giáo viên hướng dẫn hai em) đánh giá, với sản phẩm này, người sử dụng không chỉ theo dõi được tình trạng ngôi nhà của mình, mà còn có khả năng phòng tránh những sự cố hỏa hoạn.

Với tính ứng dụng như vậy, giá thành hợp lý, nếu được ứng dụng trong thực tế, sản phẩm có thể đến được hầu hết các ngôi nhà của người dân khắp mọi miền đất nước.

LỆ CHI - Theo VTC

TinQuânTin tức