MS-020: Máy bán phở tự động biết trả lại tiền thừa

Với máy bán phở tự động, người mua chỉ cần đưa tiền vào khe, nhấn nút, nhận lại tiền thừa nếu có và đợi 90 giây là có ngay bát phở nóng hồi, đầy đặn, thơm phức

Ba tác giả trước sản phẩm máy bán phở tự động. Ảnh: Thu Hòa

Ba tác giả trước sản phẩm máy bán phở tự động. Ảnh: Thu Hòa

Đây là sản phẩm mà nhóm sinh viên khoa Cơ khí chế tạo, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM chế tạo theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp, với sự hướng dẫn của thầy trưởng khoa - PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh.

Tự nghiên cứu từ A-Z

Các tác giả của máy bán phở tự động - Phạm Ngọc Diện, Vòng Lỷ Phu, Nguyễn Hào Quang - đều là sinh viên năm thứ tư. Khi được PGS Nguyễn Trường Thịnh thông báo đặt hàng, họ rất hào hứng bởi trước đó ở Việt Nam chưa có sản phẩm máy bán phở tự động nào.

“Yêu cầu của doanh nghiệp là máy có khả năng chứa cao tối đa, có tủ bảo quản bánh phở, thịt và rau ở nhiệt độ 5-100C, nước dùng ở nhiệt độ 80-900C và có khả năng nhận, trả tiền thừa. Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu từ tháng 9/2016 đến 3/2017 thì bàn giao.

Cái khó nhất là máy vừa phải có bộ phận giữ lạnh để bánh phở, rau thơm và thịt không bị thiu, lại vừa phải có bộ phận đun sôi, giữ nóng nước trụng (chần) và nước dùng liên tục” - Phạm Ngọc Diện kể.

Tham khảo cấu tạo các mẫu máy bán hàng tự động của nước ngoài, 3 sinh viên bắt đầu lên ý tưởng thiết kế và chế tạo.

“Cũng đã tranh cãi và làm sai nhiều lần từ giai đoạn bản vẽ cho đến khi hoàn thiện được sản phẩm đầu tiên giao cho khách hàng.

Chúng tôi chỉ có kiến thức về cơ chế khí chế tạo, trong khi máy có cả bộ phận điện lạnh. Thế nên cả ba phải mày mò tìm hiểu để làm cho chính xác” - Diện nói thêm.

Sau 6 tháng nghiên cứu, “đứa con tinh thần” chung của họ đã ra đời. Chiếc máy cao 2,1m, rộng 1,5m, sâu 0,8m, có khả năng cung cấp 48 bát phở liên tục với đủ rau thơm và thìa, đũa; lượng sản phẩm trong mỗi bát nặng khoảng 300gr.

Giới thiệu về quy trình hoạt động của máy, Phạm Ngọc Diện cho biết: “Khi người mua đưa tiền qua khe và bấm nút khởi động, phở sẽ được đưa từ khoang lạnh ra cho vào bát và trụng qua nước nóng 900C hai lần để làm nóng bánh.

Sau đó, thịt và rau sẽ được đưa vào bát và đẩy sang bộ phận cấp nước dùng rồi chuyển ra ngoài cho khách hàng.

Ở khe bên cạnh, thìa, đũa và nước tương cũng được chuyển ra. Toàn bộ quy trình này diễn ra trong 1 phút 30 giây. Để đảm bảo gọn nhẹ và vệ sinh, bát đũa sử dụng cho máy bán hàng tự động là loại dùng một lần”.

Đồng tác giả Nguyễn Hào Quang cho biết, một ưu điểm nổi bật của sản phẩm này so với các máy bán hàng tự động khác ở Việt Nam là tính năng trả lại tiền thừa.

Khi người dùng đưa tiền có mệnh giá cao hơn giá một bát phở, máy sẽ tự động trả lại số dư trước khi vận hành quy trình.

Ngoài ra, khi sắp hết nước dùng hoặc nguyên liệu, máy sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại của người phụ trách để bổ sung. Khi xảy ra bất cứ sự cố gì, máy tự động ngắt hệ thống điện để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, máy bán phở tự động đã được vận chuyển ra Hà Nội để giao cho khách hàng.

Sẽ cải tiến nhiều tính năng

Sinh viên Huỳnh Mạch Anh Ninh - ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, một trong những người đầu tiên dùng thử máy bán phở - cho biết: “Chiếc máy bán phở mang tới cho tôi cảm giác rất lạ lẫm. Từ trước tới giờ, tôi chỉ vào quán gọi và chờ đợi. Nhiều khi phải chờ tới 20-30 phút mới có.

Chiếc máy tiện lợi khiến tôi cảm thấy khá thảnh thơi vì có thể ăn bất cứ lúc nào mình thấy phù hợp nhất. Việc sử dụng đơn giản, chỉ cần đưa tiền vào khe nhận nút là xong”.

Tuy nhiên, anh Ninh cho rằng nhóm tác giả nên cài đặt lại quy trình để tăng thời gian trụng phở, giúp bánh phở mềm hơn: “Bánh phở được giữ ở nhiệt độ từ 3-50C nên thường bị cứng, nếu trụng nước sôi không đủ lâu sẽ không đủ mềm khi ăn.

Đây là điểm mà tôi cho rằng cần cải tiến ngay. Ngoài ra, kích thước khá cồng kềnh sẽ gây bất tiện cho việc vận chuyển máy. Vì thế, nhóm nghiên cứu nên tối ưu thiết kế và các bộ phận để làm máy trở nên nhỏ gọn hơn”.

Đồng tình với góp ý này, Phạm Ngọc Diện cho biết trong thời gian tới nếu có thêm kinh phí, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến một số tính năng:

 “Hiện nay máy mới chỉ bán được một loại phở với một mệnh giá. Sắp tới, chúng tôi sẽ cải tiến để máy bán được ít nhất 2 loại phở khác nhau với nhiều mệnh giá để khách hàng có thêm cơ hội lựa chọn”.

Đồng tác giả Vòng Lỷ Phu cũng đề xuất một số cải tiến về thiết kế như gắn buồng giữ lạnh với vỏ để giảm kích thước, chuyển đổi cơ cấu lưu trữ phở để tăng khả năng phục vụ lên 50 bát, sử dụng thiết bị điện công nghiệp để tăng độ ổn định hoạt động của máy.

Theo Ngọc Vũ (Khoa học&phát triển)

Bài gốc.