Hệ thống cảnh báo lũ của sinh viên xứ Quảng
Xuất thân từ vùng đất Quảng Nam luôn hứng chịu nhiều trận bão lũ dữ dội, cậu sinh viên Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (Khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã dồn tâm huyết sáng chế hệ thống cảnh báo lũ tự động để giúp người dân vùng lũ nắm bắt và ứng phó khẩn cấp với thiên tai.
Nhật Thương cho biết: Hệ thống cảnh báo lũ tự động hoạt động bằng năng lượng mặt trời và hệ thống mạng lưới truyền tin không dây RF. Hệ thống được thiết kế 3 phần gồm:
Hệ thống cảm biến không dây; Trung tâm dữ liệu thu thập và xử lý thông tin từ hệ thống cảm biến gửi về; Trạm phát thanh.
Giả sử khi trạm đo mưa vượt ngưỡng, hoặc lưu lượng nước ở các trạm vượt ngưỡng có nguy cơ xảy ra lũ thì hệ thống sẽ cập nhật lên website, đồng thời gửi tin nhắn SMS “báo động” đến người quản lý để sẵn sàng ứng phó. Kế đó, hệ thống loa sẽ phát tin cảnh báo đến người dân vùng lũ để chủ động phương án di dời.
Chính vì vậy, ở những khu vực đồi núi cao, khu vực biên giới không có sóng điện thoại, không có sóng 2G, 3G, 4G thì thiết bị đo đạc vẫn hoạt động tốt và liên tục truyền thông tin về hệ thống quản lý trực tiếp trên smartphone hoặc website.
Vì thế, so với các phương pháp, thiết bị đo thông dụng đo trực tiếp mực nước trên sông hiện nay thì hệ thống cảnh báo tự động này sẽ cảnh báo tình trạng lũ lên nhanh hơn.
Ưu điểm của mô hình này là đo đạc và cảnh báo chính xác ngay từ khi thượng nguồn bắt đầu mưa.
Đặc biệt, có thể áp dụng được hệ thống này với các khu vực có đường xả của các hồ thủy điện, bằng việc gắn cảm biến ở khu vực bên dưới cổng xả.
Thông qua đó lãnh đạo địa phương cũng như người dân có thể trực tiếp giám sát mức độ xả lũ, lưu lượng nước lên nhanh trong đêm và ứng phó khẩn cấp, tránh bị động và thiệt hại về người, tài sản.
Với bạn bè, thầy cô, cái tên Nhật Thương gắn liền với hình ảnh một cậu sinh viên say mê, luôn mày mò sáng chế các nghiên cứu ứng dụng với thực tế cuộc sống.
Nghiên cứu hệ thống cảnh báo lũ tự động là một sáng chế điển hình như thế mà xuất phát điểm để Thương nghĩ đến hệ thống này chỉ vì quê của cậu ở làng biển Thăng Bình (Quảng Nam) - vốn là nơi thường xảy ra những trận bão lũ lịch sử.
Nghiên cứu mang tính sáng kiến vì cộng đồng này cũng vừa đoạt giải nhất Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” tại Đà Nẵng vì tính ứng dụng, nhân văn của sản phẩm.
Với Nhật Thương thì giải thưởng mới chỉ là một ghi nhận bước đầu về hiệu quả của hệ thống này. Cái đích, mục tiêu mà Thương mong muốn có được ở sản phẩm này chính là tính chính xác tuyệt đối của hệ thống trong tiếp nhận và truyền dữ liệu về người quản lý.
Hiện Nhật Thương vẫn tiếp tục mang đi thử nghiệm hệ thống cảnh báo lũ tự động này ở các sườn đồi khu vực đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) để nghiên cứu hoàn chỉnh và phát triển ứng dụng này thêm nữa.
Tại các điểm này, Thương phát tín hiệu mưa giả và kiểm tra độ chính xác của hệ thống báo tự động. Số liệu đo đạc chính xác lượng mưa ở khu vực thực nghiệm sẽ được chuyển về trung tâm dữ liệu.
Cùng với việc hoàn thiện, tối ưu hóa hệ thống cảnh báo lũ tự động, hiện Nhật Thương còn tham gia cùng các giảng viên Khoa Điện tử - Viễn thông thực hiện đề tài cấp Bộ là xác định sự an toàn của nước dựa vào chỉ số đo đạc được từ đường bơi của cá…
Nhật Thương cho rằng trong công việc nghiên cứu và sáng tạo thì sẽ phải luôn đối diện với thực tế rằng thành công vẫn đi kèm với thất bại.
Với Thương, thành công hay thất bại đều đáng trân trọng vì nó giữ lửa đam mê sáng tạo cho mỗi cá nhân.
Các nghiên cứu khoa học của Thương luôn mang tính ứng dụng cao, chẳng hạn như hệ thống giám sát sinh học tự động, cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sáng chế kính thông minh cho người khuyết tật,...
Nhật Thương đoạt nhiều giải thưởng ấn tượng như: Giải Nhì cuộc thi Texas Instruments Innovation Challenge: Vietnam MCU Design Contest 2016 dành cho các bạn trẻ đam mê khoa học kỹ thuật; Huy chương bạc cuộc thi về khởi nghiệp Mekong Business Challenge 2015 các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, VN và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc);…
Khánh Chi - Báo Văn Hóa