Độc đáo chợ mua của người chán, bán cho người thích

Ở Sài Gòn, có hàng trăm ngôi chợ lớn nhỏ: chợ chồm hỗm, chợ “chạy”, chợ cổ hàng trăm năm tuổi, đến những chợ mới hiện đại sang chảnh. Nhưng có 2 ngôi chợ...

12-22-28_nh_1.jpg

Nhưng có 2 ngôi chợ, chẳng nằm trong số đó, lại rất đặc biệt. Một chợ đến để thích thú với những món đồ ra đời từ vài chục đến cả trăm năm trước, chợ còn lại, đến để cảm nhận tình người.

Ngôi chợ ra đời năm 2009, và chỉ họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Ở đây, từ cây đèn dầu của Việt Nam, xe máy Mobilet, bàn là con gà huyền thoại của Pháp, đến chiếc ống nhòm của “những tên cướp biển vùng Caribe”… đều có. Và ở đây, không có chỗ cho gian lận, nếu người bán bán hàng giả, hàng nhái, sẽ bị tẩy chay.  

Nơi khoe đồ

Quán cà phê Cao Minh nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM có khuôn viên khá rộng, nép mình dưới tán vài cây cổ thụ. Ngày bình thường, quán khá yên bình, chỉ có tiếng nhạc mở âm lựng nhỏ, trầm bổng.

Nhưng đến sáng Chủ nhật, khuôn viên này bỗng như những đứa trẻ vừa thức dậy sau một giấc ngủ say, tiếng cười nói ồn ào, tiếng nhạc sôi động, người người chen vai, sát cánh bên những quầy bày bán “thượng vàng hạ cám” những món đồ.

Dạo một vòng trong chợ, chúng tôi đã có khá nhiều “bạn thân”, đó chính là những “ông chủ” quầy bán đồ cũ. Họ có nét chung là dáng vẻ phong trần, trên tay, trên cổ, luôn đeo những món hang “độc” như dây chuyền, đồng hồ quả quýt, nhẫn… và rất thân thiện, luôn nở nụ cười trên môi, sẵn sàng phân tích rất kỹ món hàng mà khách hỏi.

Anh Nguyễn Đức Hùng, bạn của ca sỹ Cao Minh, chủ quán cà phê Cao Minh, và là một trong những người đầu tiên có quầy bán đồ cổ ở chợ ve chai, cho biết: “Thực ra, hồi xưa chỗ này chỉ là quán cà phê, là nơi anh Cao Minh tụ họp bạn bè, uống cà phê, tán dóc.

12-22-28_nh_7.jpg

Nhóm này có chung sở thích là đam mê xe cổ, và những món đồ độc, lạ. Trong số đó có anh Trần Dũng và Cao Minh là 2 người rất đam mê xe cổ.

Thế là cứ mỗi cuối tuần, khi đến họp mặt, mọi người có món gì “độc” cũng mang đến giới thiệu.

Sau đó, mọi người trao đổi với nhau, món nào giá trị hơn, hoặc nếu tôi thích món đồ của anh quá, sẵn sàng bù thêm tiền để trao đổi. Có thể nói cách khác là hồi đó mọi người đến gặp mặt, mang đồ đến chủ yếu là… khoe, chứ không phải có nhu cầu trao đổi, mua bán”.

Một người đàn ông trung niên dáng vẻ phong trần trên chiếc xe gắn máy cổ Vespa ACMA (Pháp). Tiếng máy xe nổ bành bành chát chúa. Đây là những chiếc xe mà ngày xưa, chỉ có những người giàu sang, thuộc tầng lớp quý tộc mới mua nổi. Nhưng có lẽ, chưa hẳn ai cũng thích, như tôi chẳng hạn.

Mặc dù vậy, khi chiếc xe vespa do người đàn ông phong trần này trờ tới, nhiều người đã ngoái nhìn, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Đến cổng chợ, anh phải mất mấy phút mới có thể tắt máy chiếc xe. Rồi ông ta dắt chiếc xe lên sân khấu ở vị trí trung tâm quán.

Phía trước yếm xe có ghi vài chi tiết liên quan đến đời xe, dòng xe “xe Vespa ACMA máy Pháp, đồng làm mới đúng nguyên bản hoạt động tốt, giá bán 30 triệu đồng. Giá có thể thương lượng".

12-22-28_nh_3.jpg

Dịch tới xuống phía bên trái sân khấu là quầy hàng trưng bày những chiếc xe cổ với nhiều những kiểu dáng độc đáo hiệu vespa, lambretta… được sản xuất từ thập niên 40-60 của thế kỷ trước. Phía sau dưới tán cây hoa sữa rợp bóng mát là chiếc xe bốn chỗ Mercedes 180, màu đen, sản xuất năm 1958, giá bán 19.000 đô la Mỹ.

“Ổng là Trần Dũng đó. Chuyên gia sưu tầm xe cổ. Hiện ổng có chiếc vespa Ý tên RuMi, trị giá khoảng 10 ngàn đô. Hiện là một chiếc xe hiếm vì Việt Nam chỉ có lại một chiếc này và trên thế giới chỉ có không quá 20 chiếc mà thôi”, anh Hùng cho biết.  

Săn hàng hiếm

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một cán bộ còn đang công tác tại Viện Bảo tàng, nhưng vì đam mê đồ cổ nên cũng tham gia, nói: Ở đây có đủ thành phần đến, từ thương gia, đại gia đến dân xe ôm, dân sưu tầm… loại nào cũng có.

Còn giá thì đủ cả, vài trăm ngàn, cũng có khi giá trị lên đến vài chục ngàn đô như đồng hồ đeo tay Citizen 100.000 đồng/chiếc nhưng chiếc đồng hồ Uply sản xuất từ thập niên 1950-1960 được bán với giá gần 20 triệu đồng. Hoặc từng có người mua chiếc đồng hồ hiệu Longin giá 4.500 USD, Omega 800 USD.

“Có hàng giả không anh?”, tôi hỏi. Anh Tuấn đáp chắc nịch: “Không! Chỉ có hàng bình dân, giá rẻ chứ không có giả. Nếu bán hàng giả mà nói đồ xịn, bị phát hiện ra thì tụi tôi tẩy chay ngay lập tức”.

Ngồi trước hai chiếc bàn ghép lại thành gian hàng lỉnh kỉnh những món như tiền cổ, nhẫn, mắt kính, máy chụp ảnh, nón cối, la bàn, đồng hồ… ông Trường Sơn Huy Đăng hất nhẹ chiếc mũ cao bồi, nói: "Đồ của chú ở đây toàn là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hết, món nào chú cũng lựa thật kỹ rồi mới dám đem ra bán chứ không mất uy tín của mình. Con cứ lựa thoải mái, thích thì mua, không ưng tuần sau quay lại chú đổi cho cái khác".

Nói dứt, người đàn ông có kinh nghiệm 35 năm chơi đồ cổ quay qua chỉ vào chiếc nhẫn mà một người phụ nữ đang ướm thử: "Chiếc đó xuất xứ của Mỹ, giá 1,8 triệu bằng bạc khối và không có chiếc thứ hai đâu nhé".

Ông bảo, "ở đây đồ của chú bao hàng, mấy gian khác cũng vậy thôi". Cười hào sảng, ông bảo ngoài chỗ này, muốn đến tìm thì cứ ghé quán cà phê Vàng Đen, quận Tân Bình thì sẽ gặp ông. Đây là một trong những địa chỉ mua bán đồ cổ khác mà dân trong giới "rành sáu câu" - theo cách gọi ví von của người miền Nam.

12-22-28_nh_11.jpg

Ở góc bày bán các loại máy chụp ảnh, thấy vị khách trẻ tuổi miết tay trên chiếc máy ảnh phim hiệu Minolta vừa mân mê từng nút bấm, anh Thạch Khánh, chủ gian hàng mời: "Máy này anh mua lại từ vựa phế liệu, 200 nghìn em mua đi anh bán rẻ cho". Khi được hỏi cách dùng, anh khoát tay: "Xài được hay không thì “hên xui”, nhưng đem về chưng thì đảm bảo đẹp".

Hàng hóa nhiều chủng loại, xuất xứ đa dạng thì giá thành cũng "thượng vàng hạ cám". Tuy nhiên, đồ cổ rất khó mà nói được giá trị thật của nó, trừ những người biết cách xem.

Tuy gọi là chợ ve chai, chợ trời, nhưng nơi đây đặt vấn đề văn hoá, trung thực lên hàng đầu. Chính vì thế, người tham gia bán hàng không phải tốn khoản phí nào. Nhưng mọi người tham gia phải tuân thủ quy định như phải lịch sự, hòa nhã, không nói tục, nói thách cũng như có thái độ căng thẳng với nhau.

Ai to tiếng sẽ vĩnh viễn không được vào chợ. Ban đầu nhiều người không đồng tình nhưng tôi cương quyết làm mạnh nên sau một thời gian, chợ đã trở thành chợ văn hóa đúng nghĩa”, ca sỹ Cao Minh.

Phúc Lập - Nguyễn Thủy (Báo Nông nghiệp)

Bài viếtQuânBài