Hãy bắt đầu sáng tạo bằng cách giải quyết vấn đề quanh bạn

Nếu bạn mua cà phê tại các cửa hàng, hẳn bạn đã từng gặp một thứ gọi là ‘tay áo ly giấy’. Đây là miếng cách nhiệt giúp bạn có thể cầm ly mà không cảm thấy nóng. Cha đẻ của phát minh này, ông Jay Sorensen nghĩ ra ý tưởng trên đường chở con gái đi học, khi ông làm đổ ly cà phê vì quá nóng.

Nhiều người nghĩ ý tưởng đột phá phải mới lạ, độc đáo, là một lúc nào đó ‘bỗng dưng’ mình có ý tưởng. Những suy nghĩ như vậy đôi khi lại cản trở sáng tạo.

Jay Sorensen thật ra không phải vì áp lực sáng tạo mới nghĩ ra giải pháp. Ông chỉ đơn giản là muốn giải quyết vấn đề.

Ý tưởng đột phá không đến từ ‘hư không’.

Vấn đề tồn tại khắp nơi, nếu bạn chịu khó để ý. Nhiều phát minh đến từ những chuyện xảy ra hằng ngày.

Khi trời mưa và bạn không muốn mặc những chiếc ủng rườm rà, xấu xú - nhưng bạn không muốn bị ướt chân? Hãy thử dùng Dry Steppers (một loại áo mưa cho giày dép). Bạn muốn mang nước đi làm, nhưng hình dáng chai nước bình thường không hợp với chiếc cặp giấy bạn đang mang? Đâu đó đã có người ‘gỡ rối’ với chai nước hình tờ giấy.

Sự đột phá chỉ diễn ra khi bạn để ý vấn đề và tìm giải pháp. Sự khó khăn kích thích bạn tìm điểm để cải thiện. Khởi đầu từ vấn đề là khởi đầu tốt.

CÁC LOẠI VẤN ĐỀ KHÁC NHAU

Có thể chia các ‘bài toán khó’ ra làm nhiều dạng. Có loại dễ tìm lời giải, có loại khó hơn. Bằng cách xác định loại vấn đề, bạn sẽ biết bạn cần bỏ ra bao nhiêu công sức để tìm ý tưởng mới.

Loại 1: Vấn đề đã có sẵn giải pháp tốt

Độ khó: ***

Nhiều vấn đề đã có sẵn lời giải hay. Ví dụ, trong thời tiết nóng ẩm, người ta sẽ dùng quạt và điều hòa. Sẽ cần một ‘cú hích’ cực mạnh để kéo người ta ra khỏi những giải pháp đang hữu dụng. Vì thế, không cần thiết phải đột phá ở đây.

Loại 2: Vấn đề tồn tại từ lâu nhưng không có giải pháp

Độ khó: **

Đây là những vấn đề rất khó giải vì sự phức tạp của nó. Ví dụ, đói nghèo là một bài toán lớn, ai cũng biết vậy, nhưng chưa ai ‘giải’ được hoàn toàn vì nhiều giới hạn. Bạn cũng không bị hạn chế trong việc thử các ý tưởng sáng tạo. Kể cả khi bạn chưa có đủ nguồn lực, hãy bình tĩnh và chờ đợi thời cơ.

Loại 3: Vấn đề có một vài giải pháp

Độ khó: *

Đây là những câu hỏi đã có vài người trả lời, nhưng ‘chưa tới’. Bạn có thể tận dụng nền tảng đó và phát triển thêm. Ví dụ, điện thoại thông minh là giải pháp thay thế điện thoại đơn thuần vì có nhiều chức năng hơn.

HÃY BẮT ĐẦU VỚI VẤN ĐỀ TRONG TẦM TAY

Hãy tìm kiếm những bài toán trong vùng hiểu biết của mình, nơi bạn có thể vận dụng kiến thức và kĩ năng. Bạn cũng sẽ không bị phân tâm bởi những vấn đề khác mà bạn không quyết định được.

Hãy đi sâu vào chuyên môn của mình, tìm một điều khiến bạn trăn trở và truy tìm nguồn cơ của nó. Hãy hỏi các câu hỏi để hiểu sâu vấn đề và tiếp cận đúng đắn.

NGUYÊN NHÂN ĐÃ RÕ, GIỜ ĐẾN LÚC TÌM GIẢI PHÁP

Hãy xem thử đã có ai tiếp cận vấn đề đó hay chưa, và nếu có, tìm lý do thất bại của họ và xem thử bạn làm được gì. Bạn có thể cải tiến một giải pháp cũ hoặc cho ra đời một lời giải mới hoàn toàn.

Nếu hiện tại chưa ai giải được, hãy suy nghĩ cho một đáp án mới. Mọi thứ có thể sẽ khó khăn hơn, nên bạn cần phải bóc tách từng lớp vấn đề một, một cách chậm rãi mà chắc chắn để giải pháp được thành hình.

ĐỪNG NGHĨ CÁI MỚI, TÌM VẤN ĐỀ TRƯỚC ĐÃ

Đừng bắt đầu bằng giải pháp, hãy đi tìm vấn đề. Quan sát sự vật xung quanh mình hằng ngày và tìm ‘sân khấu’ để tỏa sáng bằng giải pháp hiệu quả thật sự.

Hiệp (Theo Lifehack)