Người kỹ sư phục vụ nông dân

Có lẽ, ông Phan Tấn Bện - chủ Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp - đã dành hết thời gian của mình cho việc sáng chế thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp.

Câu đầu tiên mà ông Bện nói khi gặp chúng tôi là: “Tui không phải là nông dân, tui là kỹ sư phục vụ nông dân”.

1088d03d.jpg

Từ nhu cầu của việc đồng áng

Ông Bện “nhắc chừng” mình là kỹ sư bởi cả vùng đồng bằng sông Cửu Long này gần như những người trong giới kinh doanh máy móc cơ khí nông nghiệp đều biết đến ông. Những sản phẩm của ông Bện làm ra thiết thực cho ruộng đồng đến mức người ta nghĩ ông phải là một “Hai Lúa” chính hiệu.

Ông Bện cũng xuất thân từ một gia đình nông dân giữa Đồng Tháp Mười. Con nhà nông nhưng ông Bện từ nhỏ gần như không phải đụng tay đụng chân vào đồng áng. “Tui chỉ việc học, mà lạ cái là lúc thi đại học tui cũng chẳng thấy mình gắn bó gì với cái nghiệp cơ khí này” - ông Bện kể.

Xong đại học, vốn liếng kiến thức cơ khí của chàng kỹ sư tốt nghiệp khóa 4, khoa cơ khí nông nghiệp Trường đại học Nông lâm ngày ấy tưởng chừng đã “chết” theo cuộc sống viên chức khi vào làm việc tại một công ty thuộc tỉnh. “Sau năm năm thì tui nản quá, bỏ hẳn cặp táp viên chức ra tìm đường sống riêng” - ông Bện nhớ lại.

Đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn, khi ông Bện lấy hết tiền dành dụm trong gia đình trẻ của mình để mua một bộ hàn điện, mở tiệm hàn cơ khí giữa đồng. Và cũng từ lúc ấy, nền tảng kiến thức cơ khí từ trường đại học trong ông Bện mới được ứng dụng thật sự.

“Ban đầu là cái máy bơm nước” - ông Bện cười nói về sáng chế đầu tiên của mình. Cái máy bơm nước của ông Bện giúp người dân quanh vùng Tháp Mười thời ấy không chỉ trồng lúa một vụ theo con nước của tự nhiên nữa. Sáng chế đầu tiên của ông Bện giúp người làm ruộng dễ dàng hút nước cho khô ruộng, rồi bơm nước vào để chuyển qua hai vụ trong năm. Từ việc chỉ hàn sắt lặt vặt trong xóm, ông Bện bắt đầu chuyển qua làm máy bơm cho những ai có nhu cầu.

Khi cái máy bơm “bão hòa”, ông Bện bắt đầu nghĩ đến một loại máy móc giúp người dân thu hoạch lúa. Vậy là máy suốt thùng ra đời, bán được khắp vùng. Sản phẩm sáng tạo này được chào đón như kích thích ông Bện sáng chế thêm máy sấy lắp ráp SĐT ra đời tiếp đó và đoạt được giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần III (2002-2003). Máy gom, suốt lúa liên hợp được ông Bện tung ra tiếp đó đoạt được giải đặc biệt trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần V (2006-2007).

Sau đó là hàng loạt nghiên cứu cải tiến máy gặt đập liên hợp. Danh tiếng cơ khí Phan Tấn lan rộng nhất có lẽ là sản phẩm máy gặt đập liên hợp PT-19 ra đời năm 2009, với nhiều tính năng vượt trội như cắt được lúa ngập nước, lấy được hạt lúa lửng... bán đi khắp cả nước và được giải B tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần VII (2008-2009).

Nhiều dòng sản phẩm sau đó như máy suốt lúa, xe thu gom lúa... còn được UBND tỉnh Đồng Tháp bầu chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ông Bện còn nhận vô số bằng sáng chế sau đó khi làm ra máy sấy lúa, rồi máy sấy lúa lắp ráp, máy thu hoạch bắp...

“Công nghệ là cuộc chơi không dành cho nhà nông”

Những ngày này, ông Bện đang phải gấp rút làm thêm bốn chiếc xe cuốn rơm tự hành để bán cho các đơn vị đặt hàng từ Tiền Giang, An Giang... “Máy chạy bằng xích cao su nên đi được trên nhiều loại địa hình, người lái dễ thao tác, điều chỉnh cuộn rơm to nhỏ theo nhu cầu. Năng suất 80-120 cuộn mỗi giờ” - ông Bện thao thao giới thiệu cho chúng tôi về sản phẩm đang thịnh hành do ông vừa sáng chế từ cuối năm 2015. Sản phẩm này ông mất hơn sáu tháng để hoàn thành từ lúc nghĩ đến việc biến rơm thành tiền. “Rơm có thể làm được nhiều thứ, từ cho trâu bò ăn đến ủ thanh long, làm nấm... Tui phải mua 4ha rơm về để phục vụ việc nghiên cứu” - ông Bện cười nói.

Một xe cuốn rơm gần 300 triệu đồng, người ta chủ yếu mua máy này về cuộn rơm thuê hoặc mua đồng (ruộng) rồi cuộn rơm đem bán. Chỉ trong vòng nửa năm, ông Bện đã bán được cả trăm sản phẩm. Bên cạnh việc kiểm tra và cải tiến không ngừng chiếc xe cuốn rơm đang hút khách, các ý nghĩ của ông Bện hiện đang dồn hết về chiếc “máy thu hoạch bắp lúa 2 trong 1” mà ông vừa hoàn thành theo đơn đặt hàng của hai nông dân tại Bình Thuận, Đồng Nai.

Những ý tưởng của ông Bện, bên cạnh việc quan sát nhu cầu nhà nông của một người sống giữa ruộng lúa, còn xuất phát từ những ý tưởng được đặt hàng, gửi gắm của nhà nông.

Hiện tại ông Bện đang có 70 công nhân sẵn sàng cho ra đời những sản phẩm cơ khí nông nghiệp mang thương hiệu Phan Tấn. Nhưng theo ông Bện, nguyên tắc để sáng tạo trước tiên phải là phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nông dân. Bởi từ khi cuốn vào vòng xoáy sáng chế cơ khí, trong đầu ông Bện lúc nào cũng có những mường tượng máy móc mà ông có thể chế tạo ra. “Vấn đề là chế tạo loại gì để phù hợp với túi tiền nông dân, lại có thể cạnh tranh được với vô vàn máy móc từ các nước khác” - ông Bện nói.

Theo ông Bện, công nghệ là một cuộc đua mà người tham gia luôn phải sẵn sàng đối mặt với việc sản phẩm của mình sẽ lỗi thời. “Cũng như máy điện thoại, máy móc nhà nông ngày càng hiện đại và nhu cầu đòi hỏi của họ cũng ngày một cao hơn” - ông Bện nói. Do đó, khi thấy sáng tạo của mình đã lỗi thời, ông Bện liền cho ra một loại máy móc khác để tạo sức hút thị trường.

Và thường ông Bện chỉ sáng tạo một cái duy nhất và đi tiếp thị, có người đặt mua ông mới làm nhân rộng rồi sáng chế cái khác để dự phòng cho thị trường sắp tới. Trải qua 15 năm sáng chế của mình, nhiều sản phẩm ông Bện làm ra bán được gần 2.000 chiếc, như dòng máy thu hoạch lúa đời đầu tiên. Nhưng cũng có những sản phẩm chỉ bán được vài chục chiếc như máy suốt bắp...

“Sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo công nghệ, phải có tiềm lực để theo đuổi. Nhiều nhà nông trong quá trình làm đồng đã sáng tạo được một sản phẩm gì đó và được tung hô. Dù sáng chế của họ rất thực tiễn nhưng sẽ nhanh chóng lỗi thời. Họ đánh đổi cả ruộng lúa của mình để theo đuổi công việc sáng chế và thường thì đều thất bại vì không đủ tiềm lực” - ông Bện nhận định.

Hỏi ước mơ, ông Bện thật thà: “Tui chỉ muốn khỏi phải gánh công việc kinh doanh. Nếu có đủ tiền, tui sẽ chỉ dành cho việc hiện thực hóa tất cả những ý tưởng cơ khí nông nghiệp của mình thành sản phẩm thực tế để giúp thêm cho nông nghiệp”.

Người tạo dựng hình ảnh địa phương

Ngoài nhiều bằng sáng chế, năm 2015 ông Phan Tấn Bện và thương hiệu cơ khí Phan Tấn còn được UBND tỉnh Đồng Tháp trao tặng bằng khen vì đã hai lần liên tiếp đạt danh hiệu “doanh nhân tiêu biểu”, “doanh nghiệp tiêu biểu” của tỉnh. Cũng trong năm 2015, ông Phan Tấn Bện đã vinh dự được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc về những đóng góp của ông cho nhà nông.

Ông Lê Minh Hoan - bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp - chia sẻ: “Kỹ sư Phan Tấn Bện là một trong những người góp phần tạo dựng nên hình ảnh địa phương Đồng Tháp.

Ông chính là đại diện cho tính sáng tạo, ý chí mạnh mẽ, sự tự tin, lòng khát khao vươn lên, bản tính không chấp nhận lùi bước trước những khó khăn của con người vùng đồng bằng.

Nhờ những người như ông Bện, chúng ta sẽ có những hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để đồng hành, giúp những ý tưởng sáng tạo không bị mai một, góp phần nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp”.

Sơn Lâm - Ngọc Tài (Tuổi trẻ)

TinQuânTin khai thác