MS-048: Bán nhà lập mái ấm nuôi dưỡng người dưng

Thương những cụ già neo đơn, sớm tối vật vờ nơi đầu đường xó chợ, bà giáo già Lê Thị Kính đã đưa họ về chăm sóc và nuôi dưỡng như đấng sinh thành.

Tới phường 4, quận 8, TP.HCM hỏi về gia đình bà giáo già Lê Thị Kính hầu như ai cũng biết. “Bà Kính chăm lo cho người già đã nhiều năm rồi. Bà vừa hiền lành lại thương người” - một người dân cho biết.

1-mai-am_JHBC.jpg

May mắn lớn dành cho người già bơ vơ

Vòng vèo qua nhiều con hẻm trong khu dân cư lao động, tôi cũng đến được mái ấm đặc biệt của bà Lê Thị Kính - nơi chăm lo những người già neo đơn. Một dãy nhà cấp 4 tươm tất ẩn mình trong những tán lá xanh rì. Tôi tình cờ gặp chị Hoàng Yến, người sống gần đó cũng vừa chạy tới, gửi vội 10 gói bánh pía như quà Trung thu sớm cho các cụ. “Răng giờ đã yếu nên cụ ăn bánh pía sẽ dễ hơn. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm các cụ” - chị nói và đi ngay.

Đón khách là những gương mặt người già với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Hiện nơi đây nuôi dưỡng 10 cụ, trong đó đến bảy cụ ngồi xe lăn. Mỗi cụ già là một số phận nhiều đau buồn. Để vào đây các cụ phải đáp ứng điều kiện như trên 65 tuổi, không người thân, không nơi nương tựa và không mắc bệnh truyền nhiễm.

Đã ngoài 80 tuổi, phải ngồi xe lăn để di chuyển sau một lần bị té gãy xương chậu, cụ Nguyễn Thị Thanh Lim vẫn còn minh mẫn và là người quản lý các cụ. Nói về mình, cụ Lim cho hay gia đình ở thành phố, đông anh em nhưng mọi người đều mất sớm, còn mình cụ trơ trọi giữa cuộc đời. Cụ không lập gia đình, sống lủi thủi một mình cho đến khi được cha xứ giới thiệu vào đây.

“Vào sống tại đây là may mắn của cuộc đời các cụ, cháu à” - cụ Phạm Kim Cúc, 71 tuổi nói. Cụ Cúc cho biết sống ở đây các cụ được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, không phải lo nghĩ chuyện cơm áo, nắng mưa. Đặc biệt, khi đến trăm tuổi, các cụ được lo chu đáo, làm lễ đàng hoàng. Và hằng năm bà Kính đều làm đám giỗ cho những người quá cố để người sống tưởng nhớ.

Nhắc đến cuộc đời mình, nước mắt cụ lăn dài trên má. Cụ có hai người con đều có hoàn cảnh sống khó khăn, khó có thể chăm sóc cụ. Cụ lặn lội từ quê vào thành phố kiếm sống, sau hai tháng ăn đường, ngủ bụi, cụ được đưa tới đây. “Vào đây có bạn bè trò chuyện, có người quan tâm, chăm sóc, tôi vui lắm. Giờ tôi còn khỏe, tôi sẽ giúp đỡ những cụ khác” - cụ Cúc thổ lộ.

Bán nhà lấy tiền lập mái ấm

Người xây nên mái ấm cho người già gần 20 năm qua chính là bà giáo già Lê Thị Kính từng dạy tại Trường THCS Hồng Bàng, quận 5.

Đề cập đến việc làm của mình, bà Kính cho hay cứ mỗi tối đi dạy về lại thấy nhiều cụ ngồi ngoài đường, ghé hỏi chuyện mới hay họ không người thân, không nhà cửa. Thương các cụ, bà quyết định bán căn hộ chung cư ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 lấy tiền mua miếng đất ở phường 4, quận 8, rồi đưa các cụ về sống cùng.

Vậy là từ năm 1996, mái ấm cho các cụ ra đời, ban đầu chỉ là căn nhà nhỏ nằm trên một mảnh đất nhỏ, xung quanh là ao hồ, đầm lầy. Những thành viên đầu tiên ở đây là hai cụ bà khuyết tật và một cụ ông. Sau đó cứ truyền miệng, nhiều người tìm đến bà Kính nhờ giúp đỡ.

Thời gian đầu có nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh tế vì đồng lương giáo viên của bà Kính khá eo hẹp. Bà phải tính toán cộng thêm gia đình hỗ trợ mới đủ nuôi các cụ. Biết việc làm của bà ai cũng thương. Nhiều đồng nghiệp đã cùng bà dựng nhà sàn cho các cụ bằng việc mua lại gỗ và tôn cũ từ công trình xây dựng. Thế nhưng đến năm 2005, do ảnh hưởng của bão, căn nhà bị sụp. Nhiều người biết chuyện đã hỗ trợ bà xây dựng nên khu nhà cấp 4 rộng rãi, có nhiều phòng cho các cụ sinh hoạt.

Tiếng lành đồn xa, số lượng các cụ tìm đến đây ngày càng đông. Cùng với thông tin giải tỏa khu đất ở quận 8, nơi các cụ đang sinh sống, bà Kính tìm cách mở thêm một cơ sở ở Long An với tên gọi “Mái ấm Đức Ái”. Mái ấm này đang chăm sóc ba cụ ông và chín cụ bà. Thành ra trong tuần, thứ Hai, Ba, Tư bà Kính ở TP.HCM, còn thứ Năm, Sáu, Bảy bà chạy về Long An.

Khi nhắc đến các cụ, ánh mắt bà Kính sáng ngời, lấp lánh yêu thương. Bà có thể nhớ năm sinh, kể chi tiết về hoàn cảnh, tình trạng bệnh tật của các cụ ở hai mái ấm. Như có cụ đã 93 tuổi nhưng có trí nhớ khá tốt, trong khi có cụ mới ngoài 70 đã bị lẫn. Còn khi nhắc đến mình, bà lại khá kiệm lời: “Các cụ đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Trong khi bản thân tôi lại không còn người thân, gia đình. Vì thế, tôi muốn chăm lo cho các cụ như cha mẹ và sống như một gia đình. Tôi chỉ mong mình luôn khỏe để có thể lo được cho các cụ”.

Nhắc tới đây, ánh mắt bà Kính đượm buồn. Hỏi ra mới hay bà đang điều trị ung thư vú. Thế nhưng điều khiến bà lo lắng hiện nay chính là tương lai của các cụ. “Giờ tôi chỉ sợ mình chết, không biết ai sẽ lo cho các cụ. Trước khi nhắm mắt, tôi hy vọng sẽ lo cho các cụ một chỗ ở ổn định” - bà Kính thổ lộ.

Bà Kính cũng cho hay hai mái ấm có được như ngày hôm nay là nhờ vào sự chung tay, giúp sức của nhiều người, từ bạn bè, đồng nghiệp đến các nhà hảo tâm. “Nếu không có họ mái ấm sẽ không thể tồn tại đến ngày hôm nay” - bà Kính nói.

Vừa đi xạ trị về đã vội vàng đến thăm các cụ

Do cảm phục tấm lòng của bà Kính nên gần ba năm qua, tôi đã tới chăm lo, nấu nướng cho các cụ tại mái ấm ở Long An mỗi khi bà bận việc. Đặc biệt, từ hồi bà Kính phát hiện mình bị ung thư vú, tôi ở luôn tại mái ấm và quán xuyến toàn bộ. Hiện tại, dù phải đi xạ trị suốt nhưng bà Kính vẫn tranh thủ lên thăm các cụ. Có hôm vừa đi xạ trị về, vì nhớ các cụ, bà bắt xe buýt lên. Vừa tới nơi, do vừa vào hóa chất, đi đường mệt nên bà phải nằm ba ngày mới tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hồng Mai, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM

Qua quá trình kiểm tra cho thấy cơ sở chăm sóc người già của bà Lê Thị Kính đều đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn chăm nuôi. Vào năm 2015, cơ sở của bà đã được huyện Đức Hòa cấp phép hoạt động. Nói chung việc làm của bà Kính rất đáng quý. Xã luôn tạo mọi điều kiện để cơ sở hoạt động.

NGUYỄN THỊ LÝ NGÂN, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An

Nguyễn Quyên - Báo Pháp luật

Bài gốc