Nhà rau bằng tre và cỏ tranh giữa Sài Gòn của cô gái Ấn

Growing bamboo - Tre đang lớn - là một khu vườn thẳng đứng độc đáo dựng từ những vật liệu đậm chất Việt Nam, của một cô gái Ấn Độ đam mê vật liệu thân thiện với môi trường.

img8642-1505636618278.jpg

Khu vườn được dựng từ 103 cây tầm vông, 12 cây tre và cỏ tranh được liên kết bằng những nút dây phức tạp tạo ra bộ khung chắc.

Khu vườn là kết quả sau 3 ngày làm việc khẩn trương của Sameera Chukkapalli, cô gái Ấn Độ 25 tuổi, và nhóm 30 thợ mộc, thanh niên tình nguyện và kỹ sư trẻ tại TP.HCM. Nhưng việc uốn cong tầm vông và xông khói tạo màu đã được triển khai từ trước đó nửa tháng.

Khi dáng tre đã định hình, nhóm thợ thi công theo bản vẽ của Sameera với cổng vòm mềm mại dẫn vào khu vườn xanh mướt bên trong. Dọc theo thân tre, các lỗ được khoan, bỏ đất và cây rau vào trồng. 

img8625-1505636618278.jpg

Cách mặt đất 2,5m là mái che được lợp bằng cỏ tranh ở Tây Ninh. Khu vườn là không gian lý tưởng cho những bữa tiệc dã ngoại, thậm chí ngủ trưa.

"Tất cả đều hữu cơ và thân thiện môi trường. Khu vườn thẳng đứng vừa cho rau quả ăn hàng ngày vừa tạo cảnh quan xanh cho đô thị" - Sameera giới thiệu về Growing bamboo.

"Tuy nhiên, do thời gian ở Việt Nam gấp gáp, chỉ với 15 ngày chuẩn bị nên chúng tôi phải mua tre và tầm vong từ Cambodia để có những thân cây đạt chuẩn.

Hy vọng với dự án tiếp theo tại Việt Nam, tôi có thể chọn nguồn tre từ miền Bắc vì đây mới thật sự là ý nghĩa của dự án: sử dụng vật liệu địa phương, thợ thủ công địa phương tạo ra mô hình phục vụ cộng đồng".

img8647-1505636618279.jpg

Tre đang lớn là dự án thứ 5 của Sameera, cô gái vừa tốt nghiệp thạc sĩ và đam mê nghiên cứu vật liệu tự nhiên trong kiến trúc.

Ý tưởng dựng vườn rau bằng tre này đến với Sameera khi cô đến Việt Nam lần đầu tiên khoảng 2 năm trước và có 5 tháng thực tập tại văn phòng kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.

Định hướng nghiên cứu của Sameera là vật liệu địa phương và phương pháp xây dựng, xử lý vật liệu này bằng chế tác kỹ thuật số (như máy in 3D, máy cắt CNC, máy cắt laser, robot công nghiệp). Nhưng khi đến Việt Nam, cô đã thay đổi cách tiếp cận khi thấy nhiều nghệ nhân có tay nghề và nhu cầu việc làm lớn.

"Công trình là sự kết hợp giữa tự nhiên và công nghệ, nghệ nhân truyền thống và chế tác kỹ thuật số. Tôi hy vọng mỗi dự án thực hiện có thể khiến người dân địa phương tin tưởng tận dụng những vật liệu địa phương không gây ô nhiễm môi trường" - Sameera chia sẻ.

Khu vườn của Sameera hiện vẫn đang mở cửa đón khách tham quan tại Trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hội nhập nghề nghiệp cho thanh niên, đối diện nhà thờ Bến Hải, quận Gò Vấp, TP.HCM.

img8615-1505636618276.jpg

Làm hệ tre nứa như vầy khá phức tạp, mất thời gian trong khi có thể thuê nhà cung cấp hệ thống thủy canh tự động ngay trong TP đến tận nhà lắp đặt rất nhanh, chỉ tầm 15 triệu đồng. Công trình này mang tính nghệ thuật và thiết kế đẹp mắt, ấn tượng.

— Chị Thùy Dung (quận Gò Vấp) - khách tham quan

Theo Tường Hân - Tuổi trẻ