[Nghiên cứu] Nếu muốn nhớ điều gì, đừng chụp ảnh!

Tháng trước tôi đến Outside Lands, một festival âm nhạc kéo dài 3 ngày tại San Francisco (Mỹ). Ở đó có đủ các nghệ sỹ thuộc mọi thể loại âm nhạc khác nhau biểu diễn trên nhiều sân khấu quanh công viên Golden Gate.

ka7fqy5msh7qrhhjze9u.jpg

Và ở bất kì thể loại nhạc nào, kiểu sân khấu nào, đều có một điểm chung: Nhiều người, thực tế là hầu hết tất cả mọi người đều giơ điện thoại lên cao chụp ảnh và quay video suốt cả buổi hòa nhạc!

Hầu hết chúng ta chụp ảnh tại một buổi hòa nhạc hay bảo tàng là để nhớ được mấy sự kiện đó sau này. Nghe rất hợp lý phải không? Nhưng rốt cuộc dường như việc chụp ảnh lại chỉ làm tổn hại đến khả năng ghi nhớ!

Bản thân tôi cũng có thú vui chụp ảnh các buổi hòa nhạc trong suốt nhiều năm. Vì thế tôi hoàn toàn hiểu khi bạn muốn chụp một bức ảnh ở cự ly thật gần sân khấu cho bạn bè trên Facebook coi, hay ghi lại đoạn điệp khúc bài hát mình yêu thích.

Tuy nhiên, nếu bạn cứ làm điều đó trong suốt buổi hòa nhạc, cho tôi hỏi điều này nhé: Bạn thực sự sẽ làm gì với khoảng 1.000 bức ảnh xoàng xĩnh của ban nhạc chụp từ chiếc điện thoại của mình?

Câu trả lời là chả làm gì hết!

Bạn sẽ không xem lại buổi hòa nhạc này trên điện thoại. Bạn cũng sẽ không tạo ra một cuốn sổ lưu niệm hoặc thậm chí một bộ sưu tập trên Facebook cho tất cả những tấm ảnh này.

Và hãy thành thực coi, ngay cả khi bạn làm điều đó thì cũng chẳng có bạn bè nào của bạn muốn xem toàn bộ số ảnh đó hết. Bạn chỉ cần đúng một bức.

Vậy là tất cả những bức hình còn lại chỉ có tác dụng làm phiền các khán giả khác vì hành động quay phim, chụp hình của bạn mà thôi.

Linda Henkel, giáo sư tâm lý tại Đại học Fairfield ở Connecticut, đã tìm hiểu xem việc chụp ảnh ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta như thế nào. Đặc biệt bà nghiên cứu việc mọi người có thể nhớ lại một cuộc tham quan viện bảo tàng ở mức độ nào dựa trên việc họ có chụp ảnh ở đó hay không.

Trên toàn bộ mẫu nghiên cứu, những người cái gì cũng chụp nhớ được ít hơn những người không chụp một bức ảnh nào khi họ đi xem triển lãm. Thậm chí với 1 bức tranh cụ thể nhiều chi tiết riêng lẻ, những người không chụp ảnh cũng nhớ được nhiều hơn những người đã chụp ảnh.

Henkel cho biết: "Khi bạn chụp ảnh một thứ gì đó, bạn trông cậy vào việc máy ảnh sẽ nhớ giúp cho bạn. Về cơ bản bạn nói: ‘Được rồi, mình chẳng cần nghĩ về nó nữa. Đã có máy ảnh lưu lại các trải nghiệm’. Bạn sẽ không tham gia vào bất kỳ quá trình tinh vi hay tinh tế nào thực sự giúp bạn nhớ những trải nghiệm đó bởi vì bạn đã thuê máy ảnh làm điều đó rồi".

Bản chất là bạn để cho máy ảnh lưu giữ những khoảnh khắc đó nhiều hơn cả não của mình.

Thay vì chụp ảnh tất cả mọi thứ, tốt hơn bạn nên cất máy ảnh đi. Đúng vậy, chỉ chụp một hoặc hai tấm để chia sẻ với bạn bè trên facebook hay để khoe với mẹ bạn sau này, rồi cất máy ảnh đi.

Các nhà tâm lý học cũng đề nghị hãy thử thực hiện "cai nghiện ảnh", bạn sẽ đi đâu thăm thú trong 24 giờ mà không chụp ảnh. Thậm chí nếu nhiều tham vọng, bạn có thể cân nhắc tránh xa việc thích ảnh của người khác trên các trang như Facebook và Instagram trong 24 giờ.

Ít nhất, thử nghiệm đó cũng có thể thay đổi cách bạn trải nghiệm thế giới và giúp bạn thấy những gì mình có thể đã bỏ lỡ do liên tục nhìn thế giới từ phía sau ống kính máy ảnh.

Hà (Theo Lifehacker)