MS-053: Con hẻm nhiều dịch vụ miễn phí giữa Sài Gòn
Thùng nước trà đá mát lạnh giữa trưa, tủ thuốc, xe ôm cho người già, người khuyết tật và dịch vụ mai táng đều được miễn phí tại con hẻm nhỏ ở TP HCM.
Con hẻm 96 trên đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM, được người dân khu vực gọi tên là hẻm Tiên hoặc hẻm Ông Tiên. Đời sống thường nhật của người Sài Gòn gắn với những con hẻm, đầu hẻm thường có mấy chú chạy xe ôm, tiệm bánh mì, bánh cuốn và mấy quán nước, tạo thành nét đặc trưng khó lẫn. Riêng ở hẻm 96, nơi mọi người dân chung tay tạo nên những dịch vụ miễn phí cho người nghèo, thì tinh thần cộng đồng trong hẻm càng gắn bó và nổi bật.
Tủ thuốc do bà con trong hẻm chung tay đóng góp đã xuất hiện ở đầu hẻm cách đây 10 năm. Tủ thuốc nhỏ nhắn nhưng đầy đủ trong trường hợp cấp cứu thông thường và thuốc trị bệnh cảm cúm, đau bụng... Chiếc tủ thuốc đã kịp thời giúp đỡ nhiều người bị tai nạn xây xát, chảy máu, ngất xỉu... được bà con nơi đây dìu vào sơ cứu trước khi đưa đến bệnh viện. "Nhiều người già neo đơn không đủ tiền mua thuốc thường ghé xin thuốc cảm cúm, dạ dày... Họ quý tủ thuốc lắm", ông Nguyễn Văn Phúc, người có sáng kiến lập tủ thuốc, kể.
Chiếc tủ thuốc nhỏ lúc đầu được một mạnh thường quân tài trợ thuốc thang với sự tư vấn của ông Mười y sĩ. Sau này, bà con trong hẻm góp người chai dầu gió, người vài chục nghìn đồng... để bổ sung làm đầy tủ thuốc. Chiếc tủ thuốc được khóa cẩn thận và chìa khóa giao cho ông Phúc xe ôm, ông Út sửa xe và cô bán bánh cuốn nóng giữ. Họ thay phiên nhau túc trực 24/24 để lúc nào mọi người cũng có thể sử dụng tủ thuốc kịp thời.
Bên cạnh tủ thuốc, bình nước trà đá miễn phí được nhiều người đi đường thường xuyên sử dụng. Bình nước do ông Đỗ Văn Út (sinh năm 1963) phụ trách pha trà, thêm đá... từ mấy chục năm nay. Ông Út được bà con trong hẻm ví là "cây từ thiện" bởi đã khởi xướng những hoạt động thiết thực này. Ông Út làm nghề vá xe và chạy xe ôm, miễn phí cho người khuyết tật. Vợ chồng ông ở trọ trong căn phòng diện tích vài mét vuông, điều kiện kinh tế không dư dả nhưng điều đó không ngăn được ông mở lòng chia sẻ với người khác.
Với bà Nguyễn Thị Định quê gốc Nam Định, làm nghề mua ve chai, bao nhiêu năm ở Sài Gòn thì cũng chừng ấy năm bà biết ơn thùng nước miễn phí ở góc đường Phan Đình Phùng này. “Đang cơn trưa nắng mà có chai nước trà đá mát lạnh giải cơn khát thì còn gì quý bằng, mỗi lần uống nước lại thầm cảm ơn ai đã đặt bình nước”. Bà tìm đến điểm trà đá miễn phí này mỗi ngày 2-3 bận. Có những đêm khuya khoắt, đi ngang nước đá vẫn còn, bà càng ngạc nhiên vì tấm lòng của những người lạ đã cung cấp nước mát 24/24 giờ.
Ông Hoàng Phương buôn ve chai, đang trọ ở quận Bình Thạnh. Mỗi ngày ông đi qua đường này 4 lần, đều rót chai nước mát giải khát. “Nhẩm tính sơ thì không có thùng nước, mỗi ngày tốn cả chục nghìn tiền nước, hết ký gạo chứ chẳng đùa”, ông Phương nói.
Người dân hẻm cũng tổ chức dịch vụ mai táng miễn phí. Từng chứng kiến người dân nghèo vô gia cư sống ngoài đường chẳng may nửa đêm đột tử mà không có họ hàng thân thích đứng ra lo ma chay, ông Út mạnh dạn đi vận động mạnh thường quân và không ngại vất vả đi liên hệ từng cơ sở trại hòm để lo mai táng chu tất cho họ. Nhiều cơ sở đồng ý giúp cung cấp quan tài miễn phí. Với người vô gia cư, ông Út ở bên họ từ lúc lìa đời, lo từ đầu tới cuối, thay mặt người thân đưa đi hỏa táng, giúp họ sớm được siêu thoát. "Họ vất vả một kiếp người rồi, khi chết đi cũng cần tử tế, bình yên để về với đất mẹ. Công việc của tôi nhỏ lắm, chừng nào còn sức lực thì tôi còn làm", người đàn ông từng thoát chết gang tấc trong một tai nạn chia sẻ. Ông cảm thấy mình may mắn được che chở qua kiếp nạn, từ đó tâm nguyện làm việc tốt giúp đỡ cho mọi người.
Việc làm của một người đã truyền cảm hứng cho bà con trong hẻm. Ông Nguyễn Văn Phúc chạy xe ôm ở hẻm 96 hơn 32 năm nay, chở miễn phí cho không biết bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn. Ông bảo, người khuyết tật, người già thấy thương lắm, mình chở giùm người ta đi công chuyện. Chẳng riêng ông Phúc mà nhiều người xe ôm trong hẻm sẵn sàng chở người già trong hẻm di chuyển trong thành phố cả ngày mưa, ngày nắng. Ông Phúc cười hiền: "Nhằm nhò gì, một cuốc xe có đáng bao nhiêu đâu mà mình tính, giúp được họ tui thấy vui”. Có hôm những người già đi xe ôm về cứ nằng nặc nhét túi ông 5.000-10.000 đồng "để chú bù tiền xăng", ông mới nhận cho mọi người vui.
Gắn bó với con hẻm từ ngày mới sinh ra, năm nay hơn 50 tuổi, ông Phúc thấy quý cái tình của bà con đối đãi với nhau. "Những việc làm đầu tiên của ông Út đã khuyến khích mọi người, dần dần ai cũng góp một tay", ông Phúc nói. Ban ngày chạy xe ôm, ban đêm ông cùng vợ đi giữ xe kiếm thu nhập bởi tiền chạy xe ôm không đáng kể.
Những người lao động bình dân giữa Sài Gòn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo. Họ làm việc mà không đòi hỏi được ghi nhận, coi đó như niềm vui và trách nhiệm. Ông Phúc kể, hẻm 96 ban đầu có tên là Hẻm Ông Tiên, chật và bề ngang khoảng một mét, sau này bà con hai bên hiến 2 mét nữa, hẻm cơ giới thành 3 mét cho phương tiện lưu thông. Nhiều người đi ngang con hẻm, ghé lại chỗ tủ thuốc đóng góp chút tiền để duy trì những dịch vụ miễn phí giúp người nghèo.
Con hẻm nhỏ rộn rã tiếng cười, mọi người sống thân thiện vì cùng chia sẻ tinh thần tương trợ "lá lành đùm lá rách". Hàng tháng, vào dịp rằm và mồng một, bà con trong hẻm gom tiền tổ chức nấu cơm chay phát miễn phí cho người lao động nghèo, người khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Mai nói thêm: "Trong hẻm ai có quần áo cũ, đồ đạc cũ cũng quyên góp đi tặng cho người đang cần". Những hành động thiện nguyện thiết thực được lan tỏa khắp con hẻm nhỏ.
Khánh Ly - Vnexpress