Sinh viên chế mũ bảo hiểm tự kiểm tra nồng độ cồn của lái xe
Khi người lái xe đội mũ bảo hiểm, thiết bị sẽ kiểm tra nồng độ cồn, nếu phát hiện có cồn thì sẽ nhắc nhở người lái xe, định vị vị trí và liên hệ với người nhà cũng như hỗ trợ gọi cho ứng dụng taxi nếu xảy ra bất trắc.
Chiếc mũ bảo hiểm thông minh này là của hai bạn Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thành Đạt, cùng là sinh viên ĐH công nghiệp TP.HCM chế tạo.
Tự động "nhắc nhở" người đi xe khi say xỉn
Khoa chia sẻ, hầu hết những hệ thống bảo vệ và phòng tránh tai nạn giao thông thông minh chỉ được tích hợp trên ô tô. Trong khi đó, những thiết bị thông minh lại ít được tích hợp trên xe máy.
Điều này lại khá mâu thuẫn với những gì Khoa tìm hiểu được. Đa số các vụ tai nạn giao thông đến từ xe máy. Khoa nhận thấy Việt Nam là một quốc gia sử dụng rất nhiều xe máy và chiếm tỉ lệ tối đa trong tổng số vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt các vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc uống rượu bia chiếm tỉ lệ lớn, đến 40%.
“Em đã chọn mũ bảo hiểm là nền tảng để tạo ra một hệ thống mới và xây dựng trên hệ thống đó những chức năng thông minh để có thể giảm thiểu các nguyên nhân gây tai nạn giao thông”- Khoa nói.
Sau thời gian hơn 2 năm miệt mài thiết kế, Khoa và các thành viên trong nhóm cho ra đời chiếc mũ bảo hiểm thông minh, giúp phòng tránh tai nạn giao thông. Theo đó, mũ bảo hiểm sẽ có cảm biến để phát hiện người lái xe có đội mũ bảo hiểm vào hay không.
Mũ sẽ báo hiệu bắt buộc người lái xe phải đội mũ bảo hiểm vào thì thiết bị mới hoạt động. Khi người lái xe đội vào thì thiết bị sẽ kiểm tra nồng độ cồn, nếu phát hiện có cồn thì sẽ nhắc nhở người lái xe, định vị vị trí và liên hệ với người nhà cũng như hỗ trợ gọi cho ứng dụng taxi công nghệ một cách đơn giản nhất.
Kế hoạch thương mại hóa sản phẩm
Sau nhiều lần cải tiến, các thành viên trong nhóm khẳng định, mũ bảo hiểm thông minh là một dự án thương mại thật sự, hoàn toàn có thể đưa ra thị trường, và có thể đưa ra nhiều hướng phát triển khác nhau.
Nguyễn Thành Đạt, thành viên nhóm chia sẻ, mũ bảo hiểm thông minh sẽ phân phối theo hai kênh chính là bán cho cá nhân, và các nhà hàng có sử dụng rượu, bia. Với kênh bán hàng cá nhân, nhóm sẽ bán mũ bảo hiểm với chức năng báo nồng độ cồn, chống mất cắp, báo sự cố về người thân, nhắc bật đèn chiếu sáng,...
Với kênh bán hàng dành cho các nhà hàng, nhóm sẽ bán một dạng gói dịch vụ gồm các chức năng đo nồng độ cồn, nếu nồng độ cồn vượt quá quy định khách hàng chỉ cần nhấn nút trên hệ thống có kết nối với ứng dụng taxi công nghệ sẽ đến và đón về an toàn.
“Hiện nay dự án đang tiến hành hoàn thành các phần còn lại để có thể tung ra thị trường trong thời gian ngắn nhất”- Nguyễn Thành Đạt, thành viên nhóm nói.
Đạt chia sẻ thêm, mũ bảo hiểm thông minh cam kết độ tin cậy, an toàn, độ bền của sản phẩm. Hiện nay dự án cũng đang thực hiện phần chịu lực và chống nước để ngươi dùng có thể sử dụng một cách thoải mái nhất.
Để có những đánh giá thị trường, nhóm đã tiến hành khảo sát và nhận thấy dự án nhận được những con số rất khách quan, đại đa số người dân khi được hỏi đều chọn phương án mua sản phẩm. Ngoài ra dự án cũng đang đi theo một hướng mới, vẫn trên nền tảng đó nhưng sẽ dễ dàng khi đưa ra thị trường.
Được biết, chiếc mũ này ban đầu do Trần Đăng Khoa nghiên cứu và phát triển từ khi còn là học sinh trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Sáng chế "Mũ bảo hiểm thông minh" của Khoa đã từng được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo khoa học Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng bằng khen. Ngoài công trình nghiên cứu trên, năm 2015, Trần Đăng Khoa còn chế tạo hệ thống xử lý rò rỉ gas và báo động hỏa hoạn, đạt 2 giải nhì Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng do tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức và giải Khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia.
An Hà