Sinh viên Sài Gòn chế túi nilong ăn được, phân hủy trong 30 ngày
Túi nilong này được nhóm sinh viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM làm ra từ chính những củ khoai tây xấu mã.
Góp phần giải quyết bài toán rác thải nhựa
Từ bột khoai tây được sử dụng từ các củ khoai tây bị sâu, kích cỡ nhỏ không đạt chuẩn được tận dụng lại, nhóm sinh viên gồm: Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng, học năm 3, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã chế ra quy trình sản xuất túi nilong có thể ăn được, phân hủy trong vòng 30 ngày.
Theo thống kê đến năm 2015, toàn thế giới đã sản xuất 8,3 tỉ tấn đồ nhựa, trong đó hơn 6 tỉ tấn là rác thải ra môi trường. Nhựa chỉ được tái chế 9%, đốt 12% và có tới 79% chôn lấp hoặc vứt ra môi trường. Nếu duy trì phương thức sản xuất, quản lý rác thải nhựa như hiện nay, tới năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ lớn hơn lượng cá trên đại dương.
Nông Văn Phước, sinh viên ngành quản trị kinh doanh, trưởng nhóm sáng chế này cho biết, mhóm không đặt mục tiêu thay thế hoàn toàn túi nilong mà chỉ mong muốn hạn chế một phần lượng rác thải nhựa ra môi trường. Thêm một túi tái chế, là bớt đi sự hiện diện một túi nilong, điều đó sẽ giúp ích cho xã hội nhiều thứ.
“Vấn nạn rác thải nhựa, đặc biệt là túi nilong đã được báo chí, truyền hình nói rất nhiều. Một chiếc thìa nhựa chỉ sử dụng vài phút sau đó vứt đi, một chiếc túi nilong nhiều khi chỉ dùng được một lần ngắn ngủi nhưng chúng mất hàng trăm năm để phân hủy”- Phước chia sẻ.
Mặc dù không phải là dân chuyên ngành hóa học hay thực phẩm, nhưng bằng sự đam mê và không sợ thất bại, nhóm của Phước đã cho ra đời một quy trình sản xuất túi tái chế từ tinh bột khoai tây với khả năng chịu lực cao, chống thấm, thậm chí có thể… ăn được sau khi sử dụng.
Cụ thể, bột khoai tây được sử dụng từ các củ khoai tây bị sâu, kích cỡ nhỏ không đạt chuẩn được tận dụng lại. Tinh bột khoai tây sau đó được pha với nước, glyxerin và dấm ăn. Sau đó hỗn hợp này được đun ở nhiệt độ 80 độ C đến 90 độ C tạo thành hồ tinh bột (dạng sánh). Hồ tinh bột tiếp tục được đổ vào khuôn và tiến hành sấy ở một nhiệt độ nhất định để tạo thành túi tái chế từ khoai tây.
Qúa trình thực nghiệm cho thấy, túi được làm từ bột khoai tây có khả năng chống thấm nước, chịu được vật có trọng lượng trên dưới 2kg. Nhóm cho biết, có thể tăng khả năng chịu lực của túi bằng cách đan kết nhiều lớp glucôzơ từ tinh bột khoai tây tạo thành nhiều lớp màng hơn. Túi khi sử dụng xong đưa vào môi trường chỉ mất khoảng 30 ngày để phân hủy, để trong điều kiện ẩm, thời gian phân hủy có thể nhanh hơn.
Sản xuất thêm nhiều dụng cụ nhà bếp từ khoai tây
Cũng từ quy trình làm túi tái chế, nhóm sinh viên này đã phát triển các loại chén, thìa từ bột khoai tây. Các sản phẩm này được làm với mong muốn hạn chế những vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần. Nhóm đã thực nghiệm sản phẩm này bằng cách sử dụng vào việc đựng đồ ăn, chất lỏng và sử dụng. Chén và thìa vẫn đảm bảo chức năng của nó nhưng khi sử dụng xong có thể phân hủy rất nhanh.
Để có những kết quả khả quan đó, nhóm đã trải qua không ít khó khăn. Phước nhớ lại, đã phải thử đi thử lại rất nhiều lần quá trính hồ hóa tinh bột, sấy tinh bột để cho ra kết quả tối ưu. Trong khí đó, cả hai thành viên nhóm đều không phải dân chuyên môn nên mỗi lần làm sai đều phải thực hiện lại và lên mạng tìm hiểu để biết mình bị lỗi chỗ nào.
Đến công đoạn sấy cũng rất gian nan khi nhóm không có máy sấy chuyên dụng. Có thời điểm nhóm phải tiến hành phơi nắng để sấy sản phẩm. “Mình còn nhớ như in sáng hôm đó trời nắng, mình đem sản phẩm ra ban công phơi rồi đi học. Sang buổi chiều trời đổ mưa, mà mình không về kịp. Vậy là công sức cho nhiều công đoạn trước đó coi như mất trắng”- Phước nhớ lại.
Về mô hình kinh doanh, Đặng Nguyễn Xuân Trọng, chuyên ngành kinh doanh quốc tế, thành viên nhóm chia sẻ, vì chi phí sản xuất một chiếc túi tái chế là không nhỏ, nên nhóm hướng đến đối tượng khách hàng có điều kiện hơn là những người dân bình thường.
Nhóm sẽ liên hệ với các doanh nghiệp coi trọng bảo vệ môi trường và thích sản phẩm tái chế để đặt vấn đề hợp tác sản xuất. Đối tượng khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng với điều kiện kinh tế và hiểu biết cao cũng sẽ là khách hàng tiềm năng của nhóm.
“Từng bước phát triển thị trường bằng cách chứng minh tính khả thi sản phẩm, cũng là cách để giáo dục cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn. Nhóm muốn hợp tác và cùng lan tỏa mô hình này để có nhiều hơn những doanh nghiệp làm những sản phẩm tái chế như thế này”- Trọng kỳ vọng.
Hà An