Cô gái biến rác thải thành trang phục và phụ kiện

 Alice Nabukenya đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong việc sản xuất một đôi bốt khá bắt mắt và đầy phong cách từ một nguyên liệu không tưởng: lốp xe cao su bỏ đi.  Cựu sinh viên ngành thiết kế nghệ thuật người Uganda này cho biết, cô có nguồn cảm hứng bất tận với những thứ mà người khác bỏ đi.

Mẫu balo cá tính do Nabukenya sản xuất được chính trị gia Bobi Wine mang theo trong ngày đầu tiên đến làm việc tại Quốc Hội Uganda.

Các sản phẩm đầy chất sáng tạo của cô được bày bán ở cửa hàng nằm ở thủ đô Kampala. Danh tiếng về các mặt hàng đặc biệt của cô nhanh chóng được nhiều người biết đến. Nhờ đó, cửa hàng Getto Wardobe của cô lúc nào cũng tập nập người ra vào.

“Tôi quyết định đơn giản hóa môn nghệ thuật trừu tượng, mà tôi đươc ở trường, thành một cái gì đó đơn giản mà lại phải thiết thực. Và tôi đã nhận ra rằng, thời trang chính là một cách để giao tiếp với những người ở trong khu ổ chuột này, thậm chí là những người dân ở khắp đất nước Uganda hay những người đang sinh sống ở phía ngoài biên giới của chúng tôi”, cô Alice Nabukenya, Chủ cửa hiệu Getto Wardobe.

Để tìm kiếm nguyên liệu cho các sản phẩm của mình, cựu sinh viên nghệ thuật 26 tuổi đều đặn tổ chức những ngày dọn dẹp ở khu ổ chuột  Komockia, một khu ổ chuột ở Kampala, nơi cô đang sinh sống.


Rất nhiều sản phẩm hữu dụng được Nabukenya sản xuât từ rác thải không phân hủy.

Tại Uganda đã có luật cấm sử dụng túi nilon, nhưng luật này không hiệu quả cho lắm. Bởi thế, Nabukenya và các bạn của mình vẫn tìm thấy rất nhiều túi nilong trong những ngày dọn dẹp, thứ sẽ trở thành nguyên liệu chính phục vụ cho công việc kinh doanh của cô.

“Đứng ở góc độ chính quyền, họ có thể cấm người dân sử dụng túi nilong. Nhưng là một nghệ sĩ, thì tôi không ủng hộ điều đó nếu họ chưa đưa ra giải pháp cho chúng tôi”, cô Alice Nabukenya, Chủ cửa hiệu Getto Wardobe.

Và cũng giống như mọi lần, thành quả của ngày dọn dẹp hôm nay mà Alice thu về là rất nhiều túi ni-long. Đó chính là nguồn nguyên liệu mà cô không mất tiền mua. Và nhờ vào sự khéo léo, sáng tạo cũng như kiến thức mà Nabukenya học được từ trường đại học, cô đã “phù phép” biến tất cả những loại rác thải không phân hủy từ túi nilong cho tới lốp xe hỏng, vỏ chai nhựa thành ví, túi xách, giày dép, và thậm chí là cả đồ nội thất như bàn, ghế.

Trong năm kinh doanh đầu tiên (năm 2014), mỗi tháng Nabukenya chỉ sản xuất được 20 sản phẩm. Điều này có nghĩa là trong năm đó cô đã tái sử dụng khoảng 1 tấn túi nhựa, hàng trăm chiếc lốp xe cũ và hàng nghìn vỏ chai nhựa. Còn ở thời điểm hiện tại, Nabukenya đã phải thuê đến 20 nhân công để duy trì hoạt động trong xưởng của mình.

Đặc biệt, Nabukenya là chủ kinh doanh duy nhất ở địa phương không phải đi tìm kiếm các đơn hàng, mà trái lại, các đơn hàng lớn của những nhân vật nổi tiếng lại tự tìm đến cô.  Cô chính là người sản xuất chiếc túi thủ công rất cá tính mà chính trị gia Bobi Wine đã mang theo trong ngày đầu tiên ông ta đến làm việc tại Quốc Hội Uganda. Nabukenya tâm sự rằng chính những sản phẩm rất đơn giản của cô đã giúp những người nổi tiếng, các chính trị gia và thậm chí là du khách biết đến cô.

Hiện, túi xách làm từ lốp xe của Nabukenya được bán với giá từ 600.000 đồng tới 1,5 triệu đồng. Còn dép sandal từ khoảng 150.000 đồng tới 600.000 đồng. Và giày từ khoảng 900.000 đồng đến 1,8 triệu đồng.

Cựu sinh viên trường đại học Kyambogo còn chia sẻ rằng, rất nhiều công ty thiết kế đồ họa mời cô về làm việc nhưng cô đã từ chối những cơ hội này, bởi cô tin rằng nếu chỉ làm một công việc theo một lịch trình lập sẵn thì khả năng sáng tạo của cô sẽ bị mai một.

Giấc mơ của cô là mở thêm nhiều chi nhánh để đào tạo cho nhiều bạn trẻ, những người cũng có đam mê tái chế giống như cô: “Nếu bạn có kỹ năng, thì bạn chẳng bao giờ sợ thất nghiệp cả. Chỉ cần có nghề thôi, bạn cứ tự tin mà tiến bước thôi”, Nabukenya tự tin nói.

Đó chính là lí do thi thoảng Nabukenya lại ghé thăm trường đại học cũ của mình. Khi còn đi học,  Alice đã suy nghĩ và nảy ra một ý tưởng tháo gỡ bài toán rác thải, dựa vào kiến thức về chuyên ngành thiết kế và nghệ thuật mà mình theo học ở trường. Và 7 năm sau, ý tưởng ấy vẫn được nhà trường sử dụng để hướng dẫn cho những học sinh khóa dưới.


“Trong hoàn cảnh này, chúng tôi tập trung vào việc trang bị các kỹ năng cho các em học sinh; kỹ năng thiết kế, kỹ năng sáng tạo để các em có thể tự tin thiết kế và tái chế những sản phẩm có ích cho cộng đồng và môi trường”, ông Christopher Seruwanuko, Giảng viên trường đại học Kyambogo – Uganda cho biết.

Bắt đầu từ năm ngoái, Nabukenya cũng giải thích cho các thành viên trong cộng đồng của mình hiểu rằng ô nhiễm rác thải nhựa độc hại tới mức nào tại trung tâm của mình.  


Một chiếc túi xách vô cùng thời trang làm từ lốp xe của Alice.

Cô Catherine Nangobi là một trong số hơn 200 học viên tham gia khóa đào tạo tái chế ở trung tâm của Nabukeny: “Khi tôi nhìn thấy một người phụ nữ có học thức như Nabukenya đi thu gom từng chiếc túi nilong để biến chúng thành đồ dùng hữu ích. Tôi tự hỏi, tại sao mình không tới học cô bé để vừa kiếm thêm thu nhập lại vừa giảm bớt lượng rác thải thải ra môi trường”.

Theo số liệu từ hội đồng thành phố Kampala, thủ đô của Uganda, chỉ có khoảng 15% rác thải nhựa của thành phố được tái sử dụng mỗi năm. Trong khi đó, số còn lại thường được ném ra các không gian công cộng và gây ô nhiễm nước và đất.



Hoài Thanh (Theo DW)