Nữ nghệ nhân sản xuất giấy bảo vệ loài ong

Yêu thích hoa cỏ cùng các loài ong và bướm, một nghệ nhân làm giấy người Ba Lan đã nảy ra ý tưởng chế tác 1 loại giấy thân thiện có thể trở thành nguồn thức ăn cho ong và các loài côn trùng thụ phấn khác sau khi hoàn thành ‘sứ mệnh là giấy’.

Đứng trong căn phòng bày la liệt chậu gỗ, sàng và dụng cụ nén giấy, nữ nghệ nhân Malgorzata Lasocka, đang sống ở ngôi làng Kobylka, cách thủ đô Warsaw của Balan 20km,  đang mang đến những biến tấu độc đáo cho nghề làm giấy truyền thống có từ thời Trung Cổ.

Những tờ giấy Bảo vệ loài ong được rắc thêm hạt hoa tím Lacy Phacelia, giống hoa yêu thích của loài ong. Những vòng tròn đỏ này sẽ dẫn đường cho loài ong tới “trạm tiếp năng lượng” bằng giấy của nghệ nhân Lasocka và các cộng sự.

“Tôi sử dụng phương pháp sản xuất giấy cổ xưa để làm ra những tờ giấy này. Trong đó có việc dùng sàng để đổ khuôn cho giấy và hòa nước với cellulose, những sợi thực vật mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu”, nghệ nhân Lasocka cho biết.

Nguyên liệu mà nghệ nhân Lasocka sử dụng để sản xuất giấy gồm các sợi cellulose thực vật, nước, hoa tươi, thảo mộc và thực vật. Đặc biệt nhất, nghệ nhân Lasocka còn cho thêm hạt hoa phacelia lacy, một loài hoa màu tím mọc ở châu Âu, được mệnh danh là nữ hoàng mật ong thực vật, vào những tờ giấy của mình. Bằng cách này, khi những tờ giấy bị vứt bỏ, những hạt hoa này sẽ nẩy mầm, nở hoa và thu hút các loại ong, bướm sinh sống gần đó.


Nếu bạn ném các sản phẩm từ giấy Bảo vệ loài ong vào thùng rác hay để chúng trên bàn, những chú ong đang trên đường tìm hoa có thể được cho ăn và cứu chúng thoát khỏi số phận kiệt sức mà chết bên vệ đường.

Cuối cùng nghệ nhân Lasocka phủ lên bề mặt giấy một lớp bột glucose. Mục đích của việc làm này là bổ sung thêm  “chất dinh dưỡng” và nguồn thực phẩm cho ong trong những mùa “đói kém” như mùa đông lạnh giá hay những thời điểm hạn hán, mất mùa.

Mặc dù glucose hòa tan trong bột giấy, nhưng nhờ vào tính chất hóa học, giấy không bị dính hay nhớp nháp. Nhờ đó sau khi bị vứt bỏ, các chất ở trong giấy sẽ trở thành thức ăn cho các loại côn trùng thụ phấn.

“Tại đây, chúng tôi sản xuất loại giấy 2 lớp: lớp nọ trồng lên lớp kia. Lớp đầu tiên gồm hạt hoa tím phacelia lacy và một lớp rất mỏng sợi cellulose trộn lẫn với một loại bột dành cho ong. Loại bột này chính là đường glucose thực vật. Nếu muốn cho các loại ong ăn, chúng ta chỉ cần rưới một lớp nước lên giấy là glucose tan ra và ong dễ dàng hút loại hóa chất có vị ngọt này”, nghệ nhân Lasocka giải thích.

Loại giấy dễ phân hủy và thân thiện với môi trường mà nghệ nhân Malgorzata Lasocka gọi là Giấy bảo vệ loài ong này không chỉ thu hút các loại côn trùng thụ phấn mà còn khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm. Cho tới nay, nghệ nhân Lasocka nhận được khá nhiều đơn hàng của các công ty đến từ Pháp, Bỉ và Đan Mạch. Nghệ nhân Lasocka chia sẻ, những công ty này sử dụng loại giấy bảo vệ loài ong do bà sản xuất để đóng gói sản phẩm thay cho túi nilong và các loại giấy bản thông thường. Ngoài ra, giấy bảo vệ loài ong còn được dùng để in bưu thiếp và làm danh thiếp.

“Sau khi sử dụng loại giấy này để làm nhãn sản phẩm, danh thiếp, bưu thiếp hay giấy gói hàng, chúng ta có thể ném chúng vào một chiếc chậu cho giấy tan ra hoặc vứt ngay ra vườn cũng được. Sau 6 tuần, những hạt giống của loài hoa tím phacelia lacy từ trong giấy sẽ nảy mầm, sinh trưởng và bung nở. Chúng sẽ là một ngôi nhà mới cho loài ong và bướm kiếm mật rồi thụ phấn. Và vòng đời của loài hoa phacelia lacy cũng như những con côn trùng này cứ thế tiếp diễn”, nghệ nhân Lasocka cho biết.

Ngoài ra, các công ty có thể mua giấy bảo vệ loài ong để gói thực phẩm, làm tay quai ly giấy, phiếu đỗ xe, túi đựng, giấy viết, hoặc thậm chí cốc, đĩa giấy dùng một lần trong các dịp dã ngoại.

Theo tổ chức nông lương Liệp Hợp Quốc, khoảng 35% côn trùng thụ phấn không có xương sống, đặc biệt là ong và bướm và khoảng 17% động vật thụ phấn có xương, sống như dơi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm đáng lo ngại về số lượng của các loại côn trùng thụ phấn, được cho là do hoạt động canh tác nông nghiệp quá mức, sự thay đổi trong việc sử dụng đất, lạm dụng thuốc trừ sâu, bệnh dịch, và biến đổi khí hậu.

Nếu loài ong biến mất, nhân loại có thể sẽ phải đối mặt với sự tuyệt chủng của nhiều loài thực vật vốn cần tới quá trình thụ phấn từ loài ong. Các loài vật ăn cỏ sẽ chết đói do sự biến mất của nguồn thực phẩm, và những thú ăn thịt cũng sẽ có chung số phận vì thiếu con mồi.

Hoài Thanh (Theo Reuters)