Nữ doanh nhân từng vật lộn với bệnh sốt rét, chế xà bông đuổi muỗi

Xuất phát từ những khổ sở khi bị những cơn sốt rét hành hạ, nữ doanh nhân 21 tuổi đã dành nhiều tâm huyết để sản xuất ra những bánh xà bông có tác dụng xua muỗi, mà không hề ảnh hưởng đến sức khỏe như sử dụng các loại hóa chất.

Động lực chế sản phẩm từ trải nghiệm tuổi thơ

Xà bông ngăn sốt rét Uganics được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Hiệu quả ngăn muỗi của xà bông đã được kiểm tra ở Đức. Sản phẩm này cũng đã được cấp bằng sáng chế.

Lúc còn bé thơ sinh sống trong một trại mồ côi Kankobe ở Uganda, cô Joan Nalubega thường phải vật lộn với những trận sốt rét. Giờ đây, khi đã 21 tuổi cô vẫn nhớ về những tháng ngày khổ sở trong quá khứ và lấy nó làm động lực, cũng như cảm hứng cho công việc của mình: sản xuất những bánh xà bông đuổi muỗi hữu cơ.

Công ty Uganics của Joan Nalubega được thành lập vào tháng 4 năm 2016, với mục đích tìm kiếm một sự can thiệp nhằm ngăn chặn căn bệnh sốt rét. Nalubega đã hợp tác với nhiều sinh viên ngành hóa học ở đại học Makerere thuộc thủ đô Kampala của Uganda và trường Mannheim của Đức, để phát triển sản phẩm này.

“Chúng tôi mất rất nhiều thời gian mới có được sản phẩm cuối cùng. Chúng tôi thử và thất bại không biết bao nhiêu lần. Nhưng cuối cùng, vào tháng 12 năm 2017, chúng tôi đã thành công và tới tháng 4 vừa qua, sản phẩm của chúng tôi đã được cấp bằng sáng chế”, cô Joan Nalubega cho biết.


Cô Joan Nalubega (trái) và đồng nghiệp đang ép những bánh xà bông Uganics.

Cô Joan Nalubega (trái) và đồng nghiệp đang ép những bánh xà bông Uganics.

Hiệu quả xua muỗi của loại xà bông này kéo dài tới 6 giờ sau khi tắm. Quần áo, chăn màn được giặt bằng loại xà bông này cũng có tác dụng tương tự trong khoảng thời gian này.

Trên thực tế, xà bông đuổi muỗi của Nalubega được sản xuất với những thành phần rất đơn giản. Đầu tiên họ cho dầu oliu vào trộn cùng với dầu dừa, sau đó thêm một số loại tinh dầu khác và cuối cùng là hợp chất đuổi muỗi chiết xuất từ cây sả, cây oải hương kết hợp lại với nhau. Sau đó họ ép tất cả các nguyên liệu này thành khối cứng, và xắt nhỏ thành những bánh xà bông hình chữ nhật như thông thường.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu hữu cơ ở Uganda lại không phải là một chuyện dễ dàng.

 “Đầu tiên, chúng tôi mua nguyên liệu từ các trang trại hữu cơ ở Uganda, nhưng sau khi kiểm tra, chúng tôi nhận ra rằng, có một số thành phần không phải là hữu cơ 100% trong khi đó là tiêu chí làm nên giá trị sản phẩm của chúng tôi. Bởi thế, chúng tôi quyết định tự trồng các nguyên liệu cần thiết”, cô Joan Nalubega nói.

Nhưng kế hoạch là vậy, còn triển khai được lại là một câu chuyện khác. Công ty không có đủ đất để trồng nguyên liệu theo hướng hữu cơ. Bởi thế sau đó họ tính đến việc tổ chức một mô hình kinh tế xã hội, và tìm kiếm các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ - những người không có khả năng bán sản phẩm của mình nhưng lại có nhiều đất canh tác. Những bà mẹ này được giao hạt giống để trồng các loại nguyên liệu theo yêu cầu và đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xà bông chống muỗi.

Kỳ vọng tạo ra 300 việc làm cho phụ nữ nông thôn

Cô Nalubega cho biết. mô hình này đã thu hút 20 hộ gia đình ở địa phương tham gia cung cấp nguyên liệu cho công ty Uganics:  “Bây giờ, cứ tới cuối tháng, chúng tôi lại gặp mặt họ, cùng chiết xuất các loại tinh dầu và chiết khấu sản phẩm đầu cuối cho họ với giá phải chăng, trong khi họ vẫn nhận được thù lao để tiếp tục làm việc cho chúng tôi”.

Uganics là một công ty hoạt động vì lợi nhuận nhưng cô Nalubega vẫn quả quyết rằng, công ty của cô vẫn tập trung cho một mục tiêu xã hội. Công ty lập ra 2 mức giá cho cùng những bánh xà bông đuổi muỗi mà họ bán ra: mức giá được bảo hộ - tức giá được chiết khấu- cho các gia đình ở nông thôn khó khăn, và một mức giá tương xứng với một bánh xà bông tiêu chuẩn hữu cơ, với đặc điểm quan trọng nhất là xua được muỗi. Khách hàng tiềm năng cho mức giá thứ 2 là khách du lịch, khách sạn, nhà hàng dành cho giới thượng lưu ở Uganda.

“Trước khi biết đến loại xà bông này, bọn trẻ hay bị sốt rét lắm. Buổi sáng ngủ dậy, trên cơ thể chúng  có xuất hiện nhiều nốt muỗi đốt. Bây giờ thì hết rồi. Chúng cũng chẳng phải chịu cảnh “hoa sim” chằng chịt vì sẹo muỗi đốt nữa. Còn tôi thì không phải khốn khổ và lo lắng chạy chữa cho chúng nữa. Phải thừa nhận rằng những bánh xà bông này hỗ trợ chúng tôi rất nhiều”, một phụ nữ ở địa phương được mua xà bông đuổi muỗi với giá rẻ cho biết.

Joan Nalubega (áo đỏ) cho biết người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được mua xà bông đuổi mỗi Uganics với giá chiết khấu.

Joan Nalubega (áo đỏ) cho biết người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được mua xà bông đuổi mỗi Uganics với giá chiết khấu.

Mục tiêu của Nalubega là tạo ra khoảng 300 việc làm cho phụ nữ ở vùng nông thôn, thông qua việc trồng nguyên liệu và chiết xuất tinh dầu. Cùng lúc, cô cũng đang lên kế hoạch đa dạng sản phẩm của mình gồm: xịt chống muỗi, kem dưỡng ẩm chống muỗi.

Ngoài việc kết hợp với các bệnh viện để kiểm chứng độ tin cậy của sản phẩm xà bông ngăn sốt rét nhằm quảng bá kinh doanh, công ty Uganics đồng thời còn thực hiện một số chiến dịch ở Uganda nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh sốt rét.

Sốt rét chính là nguyên nhân gây nên cái chết của gần 1 triệu người dân châu Phi mỗi năm. Nhất là ở những khu vực còn kém phát triển với những căn nhà lụp xụp, kênh rạch mất vệ sinh chính là điều kiện để muỗi sinh sôi nảy nở.

Ngoài chẩn đoán và điều trị, WHO kiến nghị một gói các biện pháp phòng ngừa đã chứng minh hiệu quả, trong đó có màn chống muỗi, phun thuốc chống muỗi lên tường trong nhà và các loại thuốc phòng ngừa cho hai nhóm dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.


Hoài Thanh (Theo Al Jazeera, TRT World)