TP.HCM đang xây dựng tiết học tự chọn về STEM, Robot

 Chúng ta xây dựng phòng học STEM, nhưng nếu không có người định hướng, hướng dẫn cho các em, để mà tích hợp các kiến thức, để xây dựng, làm ra một sản phẩm cụ thể của quá trình học, ở một chừng mực nào đó thì không hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã chia sẻ như vậy với Tạp chí Khám phá.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM tại Tuần Lễ ĐMST và Khởi nghiệp TP.HCM (Whise) năm 2018.

Hiện nay, bối cảnh ‘chuyển đổi số’ sẽ đòi hỏi mỗi người học phải thích nghi để tiếp cận với sự thay đổi trong tương lai, vậy Sở có kế hoạch gì để giúp học sinh tiếp cận với sự thay đổi này, chẳng hạn như việc bổ sung các chương trình đào tạo liên quan tới công nghệ như STEM?  

Việc ứng dụng các giải pháp sáng tạo ở TP.HCM áp dụng rất nhiều, quan trọng là chúng ta phải đào tạo đội ngũ giáo viên có thể linh hoạt lồng ghép các kiến thức của các bộ môn khoa học khác nhau. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đầu tư tập huấn đội ngũ giáo viên để có thể lập tức tích hợp một số chủ đề theo hướng giáo dục STEM . Ban đầu thì cũng đã được hơn 20 trường THCS và cũng chừng đó trường THPT đã xây dựng được phòng STEM.

Hiện chúng tôi đang xây dựng chương trình, tiết học tự chọn trong nhà trường về STEM, Robot để các em vừa chơi và học giống như các bạn học sinh Phần Lan. Rõ ràng điều kiện của chúng ta còn nhiều khó khăn hơn Phần Lan, nhưng chúng ta không đợi tất cả có điều kiện mới làm. Ở những trường, những nơi có điều kiện thì chúng ta ưu tiên làm trước. Làm mô hình mẫu để các trường khác có thể học, có thể giao lưu, trao đổi và phát triển tại các trường trên địa bàn Thành phố.

Hiện nay, có rất nhiều trường phối hợp với các đơn vị khác nhau, trong đó cũng có hợp tác với Sở KH&CN TP.HCM để đưa chương trình STEM vào trong nhà trường.

Chúng tôi không giới hạn nội dung tuy nhiên, các giải pháp STEM mà các trường chưa quen thì phải trao đổi với Sở để định hướng, làm sao để cùng nhau xây dựng hiệu quả và phù hợp với điều kiện của nhà trường, tránh tình trạng, chúng ta đầu tư quá nhiều cơ sở vật chất không khai thác hết được lợi thế cơ sở đó, gây lãng phí xã hội.


Hiện TP.HCM đang xây dựng chương trình, tiết học tự chọn trong nhà trường về STEM, Robot để các em vừa chơi và học. Ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang trong giờ học STEM. Nguồn:NLĐ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thay đổi rất rõ ràng, vậy chúng ta có sự thay đổi gì trong công tác quản lý, phương pháp dạy học, chương trình giảng dạy?

Hiện nay, để trang bị kiến thức chuẩn bị cho việc tiếp cận 4.0,chúng ta phải đổi mới phương pháp dạy học, làm sao cho học sinh tiếp cận với các khái niệm khoa học một cách sâu sắc nhất. Đặc biệt là đối với bộ môn ngoại ngữ và tin học, các công nghệ tự động, các chương trình tự động hóa là nền tảng ban đầu để các em không lạ lẫm  với công nghiệp 4.0. Trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm, thì học sinh TP cũng được tiếp cận ban đầu với CMCN 4.0 và ứng dụng CNTT ở mức độ cao, trong tất cả các khâu: sử dụng thẻ thông minh, điện thoại thông minh để làm chủ cuộc sống …

Sắp tới TP.HCM có  đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp vào các trường học tại TP.HCM tương tự như tại Phần Lan ?

Hiện có một số chương trình ở TP, đã lồng ghép chương trình khởi nghiệp, trong đó chúng ta đang tập cho học sinh xây dựng các sản phẩm, ý tưởng bài bản hơn, xây dựng các dự án, đề án. Mặc dù, các sản phẩm đó, mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhưng rất tiếp cận với bộ môn khởi nghiệp. Ví dụ, với bộ môn nghiên cứu khoa học, khi các em thấy người mù đi lại với gậy, có thể lọt vào chỗ nguy hiểm như nước,  các em đã có ý tưởng phát triển cây gậy dò được nước. Từ các cuộc thi nghiên cứu khoa học của học sinh, ý tưởng rất đơn giản nhưng tôi cho rằng rất nhân văn, và đáng để chúng ta nuôi dưỡng những ý tưởng đó, thành những ý tưởng khởi nghiệp sau này.

Xin cảm ơn ông!

Tại TP.HCM có khoảng 22.000 học sinh được tham gia tiết học bên ngoài nhà trường. Dựa vào đặc điểm và điều kiện hiện có ở TP.HCM. Thảo Cầm Viên Sài gòn được chọn là nơi học sinh được tham gia tiết học này. Đây là nơi sưu tầm, lưu trữ các mẫu vật về cây về con, rất đa dạng, phong phú. Ở đó, học sinh tiếp xúc với mẫu vật thật, tiếp cận với những kỹ sư, chuyên về cây con, các kỹ sư này khi nói về thực tế sẽ tốt hơn giáo viên của Mình giảng dạy lý thuyết. Tuy số lượng rất là nhỏ so với tổng số lượng học sinh TP, nhưng đây là bước đầu để chúng ta xây dựng được các giải pháp đổi mới giáo dục, để các em có thể sáng tạo hơn, tiếp thu kiến thức chủ động hơn.

Thu Hiền