Sản xuất dụng cụ từ khoai tây

Pontus Törnqvist, 24 tuổi, đã chế tạo thành công các loại dao, muỗng, nĩa và cả bao bì đựng thực phẩm hoàn toàn có thể ăn được và dễ phân hủy. Thành phần chính của chúng là tinh bột khoai tây, nước và glycerin. 

Khi trộn tinh bột khoai tây với nước và glycerine, nhà thiết kế công nghiệp Törnqvist đã thu được một loại nhựa mà anh gọi tên là nhựa khoai tây.

Dụng cụ nhà bếp sản xuất từ loại nhựa khoai tây này đã giúp Törnqvist, cựu sinh viên đại học Lund (Thụy Điển) giành giải thưởng thiết kế James Dyson danh giá của Thụy Điển. Ngoài tinh bột khoai tây, Törnqvist còn sử dụng 2 loại nguyên liệu sẵn có mà không gây hại cho môi trường khác gồm nước và glyxerin (một hợp chất có vị ngọt như si-rô, là thành phần chính trong chất béo hay dầu).

Tất cả các sản phẩm này đều có thể phân hủy hoàn toàn chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Còn trong trường hợp tiếc chỗ nguyên liệu sản xuất ra các dụng cụ dùng một lần này, người dùng có thể chọn cách ăn chúng mà chẳng có hại gì. Trái lại tinh bột khoai tây rất thơm, ngon và hấp dẫn.

Không chỉ để ăn, khoai tây còn được dùng để sản xuất đồ dùng nhà bếp.

Không chỉ để ăn, khoai tây còn được dùng để sản xuất đồ dùng nhà bếp.

Đặc biệt, Törnqvist đã phát hiện ra ý tưởng về loại nhựa mà không cần tới plastic rất tình cờ: Ban đầu tôi định sản xuất đá xây nhà từ tảo biển nên tôi đã quay về quê tìm kiếm rong biển rồi phơi khô chúng. Tiếp đó tôi loay hoay tìm một chất kết dính cho rong biển và một trong những chất kết dính được tôi để ý chính là tinh bột khoai tây và nước. Tuy nhiên vì lỡ tay nên tôi đã đổ hỗn hợp chất lòng này tràn ra ngoài. Sau đó tôi phát hiện ra rằng, khi hỗn hợp tinh bột khoai tây trộn nước khô đi trông chẳng khác gì một lớp màng nhựa plastics. Ngay lập tức tôi cảm thấy hứng thú với điều đó”,anh Törnqvist cho biết.

Törnqvist đã bắt đầu nghiên cứu của mình từ khi còn là sinh viên của trường đại học Lund Thụy Điển. Ở thời điểm hiện tại anh vẫn cần mẫn tiến hành thêm nhiều thử nghiệm để hoàn thiện loại nhựa từ khoai tây trong Phòng nghiên cứu Thiết kế Vật liệu ở trường đại học Công nghệ và Thiết kế Copenhagen tọa lạc ở Norreport, một vùng ngoại ô của thủ đô Đan Mạch.

Thân thiện với môi trường, thời gian phân hủy nhanh không phải là toàn bộ ưu điểm của dao, nĩa, thìa, chén, bát…làm từ tinh bột khoai tây. Quy trình sản xuất các đồ dùng này mới thực sự đáng nói bởi quá đơn giản. Törnqvist trộn các nguyên liệu đầu vào với nhau rồi nung chúng cho tới khi đặc lại rồi đổ hỗn hợp này vào các khuôn. Khi được nung, một vật liệu khô xuất hiện và Törnqvist chỉ việc cắt chúng thành những hình dạng mà mình mong muốn.

Đến nay, Törnqvist còn sản xuất được cả bao bì giống như túi ni-lông từ những nguyên liệu trên.

“Khi tôi cho thêm một nguyên liệu mới như Glycerin, hỗn hợp sẽ trở nên dẻo hơn và tôi dễ dàng cán mỏng nó ra thành những lớp màng mỏng mà không hề bị rách hay rạn”,Törnqvist cho biết. “Thế rồi tôi đã dùng những lớp màng mỏng này để sản xuất túi bóng. Đầu tiên tôi chỉ có thể làm ra những chiếc túi nhỏ đựng muối thôi. Còn bây giờ tôi đã có thể sản xuất những chiếc túi to hơn. Chúng rất dai”, Törnqvist nói thêm.

Một chiếc túi bóng làm từ nhựa khoai tây mà anh Törnqvist dùng để đựng muối.

Theo anh Törnqvist, khoảng 20% khoai tây sau khi thu hoạch sẽ bị thải loại vì không đạt tiêu chuẩn và chỗ khoai tây này chính là nguồn nguyên liệu lí tưởng để tạo ra tinh bột khoai tây cho loại nhựa mà anh mới phát minh ra. 

Phát hiện của nhà thiết kế công nghiệp Törnqvist được đánh giá là rất có ý nghĩa đặc biệt là trong bối cảnh rác thải nhựa dùng một lần đang làm biến dạng các bãi biển và giết chết đại dương. 

Trước đó, Theo Independent, các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna phát hiện 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên. Cụ thể, trung bình có khoảng 20 vi hạt nhựa trong mỗi 10 gram phân người. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải chúng cùng với thức ăn mỗi ngày. Các chuyên gia tin rằng nhựa trong ruột có thể ức chế hệ thống miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus hoặc vi khuẩn gây hại trong cơ thể. 

Hoài Thanh (Reuters)