Uganda: Lồng ấp sơ sinh điều khiển qua Internet, cứu tinh của trẻ sinh non
Một nhà khoa học ở Uganda đã phát triển thành công một loại lồng ấp giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non. Sáng kiến này cực kỳ hữu ích ở quốc gia Đông Phi, nơi các thiết bị y tế như lồng ấp sơ sinh đều phải nhập khẩu với giá không hề rẻ từ Mỹ hoặc châu Âu. Đây là chiếc lồng ấp sơ sinh đầu tiên do 1 người châu Phi sản xuất hoàn toàn.
Ở trung tâm Y tế Mukono, cô Sharah Muteesi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian. Một trong 2 bé sinh đôi nhà cô may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau khi cô gặp khó lúc lâm bồn.
Cô rất biết ơn chiếc lồng ấp sơ sinh hiện đại đã bảo vệ tính mạng của con cô: “Con tôi gặp nguy hiểm khi chào đời. Chính chiếc lồng ấp sơ sinh đã cứu nó. Bởi vì nó bị sinh non mà”, bà mẹ vừa hạ sinh một cặp sinh đôi chia sẻ.
Anh Chris Nsamba là cha đẻ của chiếc lồng ấp vừa cứu sống con của cô Sharah Muteesi. Anh đặt tên cho chiếc lồng ấp là Savant Genius. Nhà khoa học người Uganda đã và đang giúp cơ sở y tế ở miền Trung Uganda xử lý các ca sơ sinh khẩn cấp.
Được trang bị hơn 370 cảm biến, lồng ấp Savant Genius sở hữu hơn 10 tính năng. Chẳng hạn, các bác sĩ có thể điều chỉnh mức ô-xi phù hợp trong lồng ấp, điều chỉnh nhiệt độ và kiểm tra não của trẻ nằm trong lồng từ một chiếc máy tính kết nối internet..
Đặc biệt, chiếc lồng ấp này có đủ diện tích để cho 4 bé sơ sinh cùng nằm một lúc. Theo nhà khoa học, cỗ máy được lập trình với 3 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Kiswahili (ngôn ngữ của dân tộc Bantu ở khu vực Đông Phi từ Somali đến Mozambique) và Luganda (ngôn ngữ chính ở Uganda).
Lồng ấp Savant Genius còn có một hệ thống báo động sẽ tự động kích hoạt trong trường hợp bác sĩ không hồi đáp trong trường hợp khẩn cấp. Và đương nhiên, lồng ấp được sản xuất ở một nơi ám ảnh với căn bệnh sốt rét nên nó cũng được trang bị thêm tính năng đuổi muỗi.
“Đây là một chiếc lồng ấp mới hoàn toàn. Bạn sẽ chẳng thể tìm mua loại lồng ấp tương tự ở nơi nào khác. Lồng ấp này có thể ấp được 4 trẻ cùng lúc trong những khoang khác nhau. Và mỗi trẻ sẽ được một bác sĩ trí tuệ nhân tạo theo dõi. Điều này có nghĩa là chiếc máy sẽ đóng vai trò như một bác sĩ nhi khoa. Do đó, nó sẽ tự đưa ra phán đoán và gửi cảnh báo tới hệ thống máy tính phía ngoài để báo cho bác sĩ trực ca ngày hôm đó nắm bắt được tình trạng của bệnh nhi”, nhà khoa học trẻ Chris Nsamba cho biết.
Anh còn chia sẻ, chiếc lồng ấp trẻ sơ sinh của anh không phải là một ý tưởng đánh cắp hay chỉ là sự làm mới từ một ý tưởng cũ: “Tôi sản xuất chiếc lồng ấp này từ con số 0 ở ngoại ô Ntinda. Trước đây tôi chưa từng lắp ráp, chứ đừng nói là sản xuất lồng ấp sơ sinh. Nhưng sau 6 tháng nghiên cứu tôi đã sản xuất thành công chiếc máy tự động và thông minh này”, anh Nsamba tự hào.
6 tháng nghiên cứu, lắp đặt cùng hơn 2 năm thử nghiệm, cho đến nay, mỗi tháng, Savant Genius đã cứu sống ít nhất 25 trẻ sinh non cũng như những bé sơ sinh mắc các chứng bệnh nguy hiểm cần được nằm lồng ấp để bảo vệ tính mạng tại trung tâm y tế Mukono.
“Chúng ta biết ơn chiếc lồng ấp được sản xuất ở Uganda này. Nó mới được lắp đặt ở đây 2 tháng và đã cứu sống 55 sinh mệnh bé nhỏ”, giáo sư Geoffrey Kasirye, đại diện của Trung tâm Y tế Mukodo của Uganda cho biết. Ông này cũng cho biết thêm, mỗi tháng trung tâm này chào đón khoảng 700 em bé chào đời và có ít nhất 25 trường hợp là sinh non cần được nằm lồng ấp.
Về phần mình, nhà khoa học Nsamba cho biết, chính phủ Uganda đã phải chi ra khoảng 80.000$ (tương đương 302 triệu Shiling Uganda) để nhập khẩu những chiếc lồng ấp sơ sinh, trong khi chỉ cần nửa số tiền ấy, anh có thể sản xuất ra lượng lồng ấp sơ sinh tương tự.
“Lồng ấp sơ sinh của tôi đã được đề cử trong cuốn sách Kỷ lục Guiness thế giới cho hạng mục chiếc lồng ấp sơ sinh đầu tiên được sản xuất ở Lục địa già”, Nhà khoa học Nsamba tự hào.
Chiếc lồng ấp sơ sinh “made in Africa” đầu tiên đã giúp nhà khoa học 32 tuổi nhận giải thưởng Sáng kiến khoa học ý nghĩa nhất do Hội đồng Công nghệ và khoa học Uganda trao tặng vào năm 2016.
Hoài Thanh (Theo DW)