Nói không với gỗ, Nigeria dùng bèo tây sản xuất giấy
Nhà khoa học Nanly Ndukwe dẫn đầu nhóm nghiên cứu của trường đại học đã khám phá ra một thành phần quan trọng trong thân cây bèo có thể giúp họ thay thế sợi cellulose chiết xuất từ những thân cây gỗ. Đặc biệt, bèo tây phát triển trong hầu hết kênh rạch, ao, hồ….ở quốc gia này.
Mỗi năm, Nigeria phải chi khoảng 1 triệu Euro để nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến giấy. Bên cạnh đó, rất nhiều cánh rừng ở quốc gia này bị đốn hạ để lấy gỗ phục vụ cho việc tách sợi cellulose – nguyên liệu chính dùng trong sản xuất giấy.
Với mong muốn bảo vệ những cánh rừng tự nhiên, các nhà khoa học đến từ trường đại học Mountain Top Nigeria ở khu vực đông bắc nước này đang miệt mài nghiên cứu để tìm ra một biện pháp thay thế. Và sau nhiều thử nghiệm, họ phát hiện ra rằng, cây bèo tây có thể tạo ra sự khác biệt.
Nhà hóa học Nanly Ndukwe cho biết: “Chúng tôi tách lấy sợi của loài thực vật này để sản xuất giấy. Nguồn nguyên liệu này rất sẵn ở Nigeria. Nhờ vậy, bất cứ ai cũng có thể sản xuất giấy từ chúng”.
Đi dọc theo vùng đồng bằng sông Niger, người ta hẳn sẽ bị choáng ngợp bởi sắc hoa tím rực rỡ mà vẫn nhẹ nhàng khoe sắc trên mặt nước của loài bèo tây. Tuy vậy, loài cây này lại không có lợi nhiều cho cuộc sống của con người bởi tính chất cỏ dại gây ô nhiễm nguồn nước, làm mất đa dạng dinh dưỡng và tàn phá quần thể cá.
Không những thế, sự phát triển mạnh mẽ của chúng còn đang gây phiền toái cho con người bởi chúng khiến kênh, rạch tắc nghẽn. Bởi thế, người dân quanh vùng thường vất vả tìm cách ngăn cản sự phát triển của chúng. Nhưng thông thường, người ta chỉ biết cách vớt chúng rồi vứt lên bờ.Còn nhóm nhà khoa học ở Mountain Top Nigeria đã nhìn ra vấn đề và giúp biến loài thực vật mà nhiều người căm ghét này trở thành một cơ hội kinh doanh lớn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học Mountain Top Nigeria phát hiện ra rằng, thân của bèo tây chứa tới 65% sợi thực vật, trong khi đó, phần hoa của chúng chỉ chứa 25%. Như vậy, chúng còn chứa nhiều cenllulose hơn cả các loại thực vật mọc trên cạn. Bởi thế, nó chính là nguồn nguyên liệu lý tưởng để sản xuất giấy.
Bèo tây được vớt về rồi phơi khô trước khi quy trình sản xuất giấy bắt đầu. Sau đó, chúng được cắt nhỏ rồi đem nấu cùng Natri Hydroxit (dung dịch kiềm NaOH). Quá trình này sẽ giúp các nhà khoa học tách phần sợi có trong thân bèo tây dễ dàng hơn. Tiếp đó, phần sợi của bèo tây được rửa lại cùng với nước sạch để loại bỏ dư lượng hóa chất mà vẫn giữ lại vật chất cellulose của bèo tây.
Sau đó, các nhà khoa học dùng hydro peroxide (một chất oxy hóa dạng lỏng trong suốt, nhớt hơn một chút so với nước) để tẩy trắng phần sợi vừa tách được từ thân cây bèo tây. Bước tiếp theo là bước xay nhuyễn hỗn hợp vừa được tẩy trắng. Cuối cùng, các nhà khoa học đổ hỗn hợp mịn này lên một chiếc rây cho ráo hết nước. Phần bột mịn còn lại trên mặt sàng chính là sản phẩm giấy mà chúng ta vẫn mong chờ.
Nhà hóa học Nanly Ndukwe cho biết, loại giấy mà họ sản xuất dai và mịn chẳng kém gì giấy sản xuất từ gỗ trong khi đó họ không cần phải đốn hạ cây xanh. Những gì chúng tôi đang làm là giải pháp cho môi trường đồng thời là ý tưởng kinh doanh rất hữu ích”, nhà hóa học Nanly Ndukwe cho biết.
Cùng lúc đó, sau các thử nghiệm, họ cũng chứng minh được ứng dụng đa dạng của loại giấy: từ làm giấy viết cho tới giấy làm bao bì đóng gói sản phẩm.
“Trong cuộc sống, chúng ta sử dụng giấy cho nhiều mục đích: học tập, viết báo cáo, hay dùng khi đi vệ sinh….Nhưng vấn đề nằm ở quy trình sản xuất giấy. Chúng ta phải chặt rất nhiều gỗ để sản xuất giấy. Chẳng hạn, mỗi ngày có tới 27 nghìn cây xanh bị chặt hạ chỉ để làm giấy vệ sinh. Bởi thế, cách tiếp cận của chúng tôi sẽ giúp bảo vệ những cây xanh này”, ông Amos Akinwande, Nhà hóa sinh, đại học Mountain Top Nigeria nói.
Trong khi đó, để trồng được một cây xanh đủ tiêu chuẩn cho quá trình sản xuất giấy, người ta phải mất từ vài năm tới cả chục năm. Ngược lại, bèo tây là loài thực vật dễ trồng và sinh trưởng nhanh. Do đó, nó sẽ là câu trả lời cho nguồn nguyên liệu sản xuất giấy trong tương lai.
Hoài Thanh (Theo DW)