Biến thịt và xương động vật thải loại thành da

Sáng kiến mới của công ty khởi nghiệp Gelatex tại Estonia có thể sẽ làm hài lòng những khách hàng vừa muốn sở hữu món đồ da nhưng lại vừa dành sự quan tâm lớn đến môi trường.

Tặng cho phế phẩm một cuộc đời mới, đó là ý tưởng chủ đạo của startup Gelatex đến từ Estonia.  Start-up này đang phát triển một loại da thay thế da thật của động vật với thành phần chính là gelatine, vật liệu mà Startup này tin rằng thân thiện với môi trường và sẽ giúp cho ngành công nghiệp thời trang trở nên bền vững.

Một vài thiết kế thời trang làm từ vật liệu giả da của Start-up Gelatex.

Một vài thiết kế thời trang làm từ vật liệu giả da của Start-up Gelatex.

Ông Mart-Erik Martens, Đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của Gelatex cho biết: “Vấn đề của ngành công nghiệp sản xuất da là 95% lượng da được thuộc bằng crôm. Trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất da là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều thứ 2 trên thế giới. Bởi thế, chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này bằng sản phẩm giả da của chúng tôi”.

Tại phòng thí nghiệm của mình ở thành phố Tartu của quốc gia Đông Âu, các nhà khoa học biến những phần thịt và xương động vật thải loại của ngành công nghiệp chế biến thịt thành Gelatine. Chỗ nguyên liệu này sau đó được cán mỏng thành những miếng da có chất lượng không kém gì so với da động vật. Đặc biệt, quy trình này không cần đến các hóa chất độc hại. Ngoài ra, để thuộc 1m2 da động vật, người ta cần đến 2,4kg hóa chất,  5000 lít nước, trong khi đó, da làm từ gelatin chỉ mất 65 lít.

Một chiếc ví cầm tay của Start-up Gelatex.

Trong khi đó, với da thật nguyên liệu đầu vào chỉ là da, còn loại da do Gelatex sản xuất gồm cả xương và da động vật, nên giá thành sản xuất sẽ giảm đi ½ so với các món đồ da thật, đồng thời, nguyên liệu đầu vào cũng dồi dào hơn đến 5 lần so với việc sản xuất da thật. Hơn nữa, ưu điểm của các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu da của Gelatex còn dễ phân hủy hơn các sản phẩm có nguồn gốc từ da thật.  

 “Trong khi da được làm từ collagen, thì vật liệu của chúng tôi lại làm từ Gelatine. Khi bạn bẻ gẫy phân tử collagen thành phân tử nhỏ hơn thì đó chính là lúc bạn thu được gelatin. Và Gelatine thì có thể được sản xuất từ xương và da của động vật (chứ không chỉ có da), bởi thế, nguyên liệu của chúng tôi dồi dào hơn. Đây chính là ưu điểm và chúng tôi sử dụng các biện pháp khác nhau để giúp cho vật liệu giả da của mình mềm mại hơn, đàn hồi tốt hơn nhưng vẫn bền hơn”, Đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của Gelatex, ông Mart-Erik Martens nói.

Da Gelatex thân thiện với môi trường và có màu nâu nhạt đẹp mắt.

Galatex hiện vẫn đang nghiên cứu về độ bền sản phẩm, thực hiện các thử nghiệm để nâng cao chất lượng vật liệu và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2020.

“Điều chúng tôi nhấn mạnh không nằm ở chỗ sử dụng vật liệu liên quan đến động vật mà là chất thải ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta. Chất thải có mặt ở khắp mọi nơi. Hiện, chúng ta gần như chỉ có cách đốt rác thải, nhưng giải pháp này không bền vững. Thay vào đó, chúng tôi muốn cho rác thải một cuộc sống mới”, ông Mart-Erik Martens hào hứng nói.

Ông Martens cũng tin rằng, hiệu quả bền vững của loại vải này sẽ càng rõ ràng hơn nếu họ lập được mối quan hệ đối tác với các hãng thời trang nổi tiếng như H&M hay Zara trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, Kadri Kruus, một nhà thiết kế túi xách ở Estonia đang hỗ trợ Startup hoàn thiện thành phẩm từ loại da sinh thái này. Theo nhà thiết kế Kruus, da sinh thái Gelatex dễ cắt và dễ thiết kế hơn da thật. Cùng lúc đó, mùi của da gelatex dễ chịu hơn da thật rất nhiều. Nhà thiết kế này đặc biệt ấn tượng với màu nâu nhạt của da Gelatex.Tuy nhiên, nhà thiết kế này cũng thừa nhận, da Gelatex bở hơn da thật, và đó chính là điều yếu điểm mà Startup Gelatex đang tìm cách loại bỏ.

Hoài Thanh (Theo Reuters)