Hà Lan xây dựng quần đảo nhân tạo giúp phục hồi thiên nhiên hoang dã



 


Hiện là nơi trú ngụ cho 30.000 con chim én, rất nhiều loài chi khác và 127 loài thực vật mới cùng một lượng sinh vật phù du phong phú, năm hòn đảo thuộc quần đảo trong lòng hồ Markermeer, Hà Lan vừa được xây dựng hứa hẹn sẽ sớm giúp phục hồi lại thiên nhiên hoang dã ở đây, và triển vọng trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên trong tương lai.

Các chuyên gia gần đây đã đếm được 127 loại thực vật trên đảo nhỏ, phần lớn các loại này được đưa đến bởi những ‘hạt gió’ (windborne seeds).

Ông Andre Donker, người bảo vệ đảo phải thở dài khi ông nhìn vào mặt nước màu xám với tiếng sóng vỗ nhè nhẹ của Markermeer, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của châu Âu. “Trước đây, hồ này có rất nhiều cá với các loài khác nhau”, ông nói. Hồ nước rộng đến 700 km2 này có vai trò quan trọng trong việc điều tiết mực nước cho Hà Lan, nhưng nó đã từng là một khu hồ nước gần như không có một sinh vật nào sinh sống được.

Nhưng hiện nay không gian ảm đạm hồ Markermeer đang thay đổi nhanh chóng nhờ một dự án đầy tham vọng - xây dựng một quần đảo nhân tạo với năm hòn đảo trong hồ, giúp phục hồi lại thiên nhiên hoang dã ở đây. Đây là “một trong những dự án phục hồi thiên nhiên hoang dã lớn nhất châu Âu”, ông Donker nói. Và ông đã thấy được những dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi đa dang sinh học ở khu hồ nước ngọt này.

Hồ Markermeer rộng lớn cho đến gần đây không gì khác hơn là một đám mây không có thủy sinh.


Đã từng là một phần của vịnh Zuiderzee, kỳ quan về đào núi lấp biển của Hà Lan được hoàn thành năm 1932, ngăn tách vịnh Zuiderzee với Biển Bắc để biến thành một hồ nước ngọt có tên là Ijsselmeer và giúp chống chọi với nạn lụt lội. Công trình này đóng vai trò quan trọng sống còn với một quốc gia có đến 26% diện tích nằm dưới mực nước biển, vừa tạo ra một hồ nước nội địa vừa mang lại cho Hà Lan các diện tích đất lấn biển rộng lớn, nhưng hậu quả để lại cho môi trường thì không hề nhỏ. Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, cát sạn được sử dụng để đắp một con đê ngăn hồ Markermeer với khu hồ Ijsselmeer bên cạnh, đã bị cuốn trôi và chìm xuống đáy hồ. Chính điều này đã làm cho nước hồ Markermeer trở nên vẩn đục và ảnh hưởng xấu đến các loài động vật thủy sinh và các loài chim, cây cối và các loài thân mềm sống dưới hồ. Diện tích mặt hồ Markermeer rộng lớn mênh mông nhưng trông không khác gì một vùng nước chết.

Hy vọng quần đảo nhân tạo mới gồm năm hòn đảo này sẽ mang thiên nhiên trở lại khu vực.

Nhiều người tin rằng một quần đảo nhân tạo với năm hòn đảo này sẽ đưa thiên nhiên hoang dã trở lại với hồ Markermeer.

Tuy vẫn còn thưa thớt, nhưng các cây xanh ở đây đã phủ một diện tích đến 700 hecta, tạo thành một hình ảnh mới cho hồ. 5 hòn đảo nhân tạo này đã được xây dựng trong hai năm rưỡi và đóng vai trò là nơi trú ngụ cho khoảng 30.000 con chim én trong năm nay. Các chuyên gia gần đây đã đếm được 127 loài thực vật mới trên quần đảo, hầu hết số loài mới này được gió mang đến. Trong diện tích mặt nước của hồ, có một sự “bùng nổ” các loài sinh vật phù du giúp “đảm bảo một lượng thức ăn khổng lồ cho các loài chim”, Donker, người đàn ông ở độ tuổi 50 và đã có hơn 20 năm gắn bó với khu hồ cho biết. Ngỗng xám, nhạn biển, rất nhiều loài chim cao cẳng như là diệc bạch và diệc ăn đêm cũng đã trở lại với quần đảo này, chứng tỏ những dấu hiệu thành công của dự án.

Nhìn từ xa, một máy nạo vét lòng hồ đang giúp tạo ra những đụn cát cuối cùng của quần đảo, được gọi là Marker Wadden.

Ba đài quan sát chim bằng gỗ đã được xây dựng trên đảo chính.

Dự án này đầu tiên được Natuurmonumenten, một tổ chức phi chính phủ Hà Lan thực hiện với mục đích là bảo vệ thiên nhiên hoang dã, với tổng chi phí là 68 triệu USD – phần lớn nguồn kinh phí này được các cá nhân và tổ chức ủng hộ.

Không hổ danh là bậc thầy về quản lý nguồn nước, người Hà Lan đã sử dụng một kỹ thuật tiên tiến đó là xây dựng các đảo bằng bùn phù sa, một dạng chất lắng giống như là cát và sét. Hòn đảo chính có cây cầu đi bộ dài 12km và các con đường không lát đá ra đảo. “Việc xây dựng một hòn đảo bằng cát không có gì khó cả, chúng ta đã làm điều đó trên toàn thế giới, nhưng cái độc đáo ở đây là chúng tôi sử dụng bùn phù sa”, ông Jeroen van der Klooster, giám đốc dự án của Boskalis, công ty dịch vụ hàng hải xây dựng quần đảo này cho biết.

Hòn đảo chính có 12 km đường bộ và đường không trải nhựa.

Nhóm thực hiện dự án đã đào một “hành lang” dài 1.200m trên đảo chính để cho các dòng thủy triều mạnh mang bùn phù sa đến tạo thành các diện tích đầm lầy, các khu đất phì nhiêu và các hồ chứa rất giàu thức ăn cho các loài chim. Đảo chính luôn mở cho người dân đến tham quan nhưng bốn đảo khác hoàn toàn được làm nơi bảo tồn động thực vật hoang dã.

Kế hoạch xây dựng quần đảo này chỉ là một trong rất nhiều dự án xây dựng đảo nhân tạo ở Hà Lan, một trong những quốc gia được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn biến đổi khí hậu.

Phước Anh (Theo Phys)