Gặp gỡ người "dành cả tuổi thanh xuân" để thu gom rác thải điện tử
"Lợi nhuận có từ các nguyên liệu sau tái chế không đủ chi trả cho một quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn đang từng ngày "dỗ dành" người dân mang rác thải đi xử lý".
Bà Miriam Lassernig, phát ngôn viên Tổ chức Việt Nam Tái Chế, là người có nhiều năm gắn bó với hoạt động thu hồi và tái chế rác thải điện tử.
Mới đây, bà đã chia sẻ với Tạp chí Khám phá về những khó khăn, thử thách của chiến dịch "Thu gom rác thải điện tử tận nhà" mà tổ chức này đang thầm lặng thực hiện trong nhiều năm qua.
Rác thải điện tử "chảy" về nước nghèo
Bà có thể cho biết, với mô hình "Thu gom rác thải điện tử tận nhà", việc xử lý những rác thải điện tử sẽ được Việt Nam Tái Chế thực hiện như thế nào?
Tất cả các thiết bị sau khi thu gom sẽ được xử lý theo một quy trình chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hóa lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.
Có thể nói rằng, hầu hết rác thải điện tử đều có chứa một số thành phần có giá trị và có thể tái chế được. Một số thành phần không tái chế được sẽ được gửi đến những trung tâm tái chế thành phần đó nhằm đảm bảo tối đa hoá lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.
Một thực tế hiện nay là rác thải điện tử đang "chảy" về các nước đang phát triển và các nước nghèo ở Châu Phi, một số nước châu Á. Cụ thể, theo một thống kê vào năm 2014, có đến hơn 40 triệu tấn rác thải điện tử được chuyển tới các nước đang phát triển. Phải chăng các nước phát triển cũng đang "bó tay" trong việc xử lý các loại rác thải điện tử?
Hầu hết các nước phát triển đều có quy định và quy trình được chỉ định trong quản lý việc tái chế các sản phẩm điện tử. Ví dụ, ở các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, các nhà sản xuất có trách nhiệm thu hồi và tái chế hơn 40% sản phẩm họ đã bán, và điều này là bắt buộc.
Tuy nhiên, sự thật là một lượng lớn rác thải điện tử đều theo dòng chảy hàng hóa đến nơi có chi phí sản xuất hấp dẫn nhất, thường là các nước đang phát triển.
Bán rác kiếm tiền vẫn là thói quen của người dân
Thói quen của người dân Việt Nam với các loại rác thải điện tử thường bán đồng nát lấy tiền. Với việc thu gom mang tính phi lợi nhuận như vậy, làm thế nào để Việt Nam Tái Chế có thể vận động người dân tham gia hoạt động này?
Đây là một trong những thách thức khó khăn nhất mà Việt Nam Tái Chế đối diện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, sau 2 năm phát động chiến dịch thu gom rác thải điện tử tận nhà, chúng tôi nhận thấy lý do người dân khá ngại mang thiết bị điện tử đến chương trình là do họ không nhận thức được tác hại của việc vứt rác thải điện tử bừa bãi và nguy hại của quy trình tái chế rác thải không chuyên nghiệp.
Việt Nam Tái Chế hiện đang kêu gọi mọi người mang rác thải điện tử đến với tổ chức thông qua việc tuyên truyền nội dung về rác thải điện tử qua Facebook và những chiến dịch hằng năm.
Bà có thể cho biết, tổ chức đã có những giải pháp nào để việc người dân tự nguyện chuyển rác thải điện tử cho Việt Nam Tái Chế trở thành một thói quen của họ?
Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc thường xuyên liên lạc và tiếp xúc với người dân, giúp chúng tôi trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.
Việt Nam Tái Chế từng bước đạt được mục tiêu của mình thông qua các hoạt động tiếp cận khác nhằm nhắc nhở cộng đồng về những gì chúng tôi đang thực hiện. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động và không ngừng tuyên truyền với người dân về lợi ích của chương trình cho bản thân họ, cho gia đình họ và toàn xã hội.
Trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hiện nay, như tham gia các sự kiện, triển khai chiến dịch thu gom tận nhà, điều hành trang facebook, tuyên truyền thông tin trên các kênh truyền thông…
Chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ đặc biệt từ chính quyền địa phương, giúp Việt Nam Tái Chế truyền tải thông tin đến đông đảo người dân. Để thay đổi thói quen của người dân vẫn cần trải qua một quá trình dài.
Nhờ truyền thông, nhân dân có ý thức hơn về rác điện tử
Chiến dịch "Thu gom rác thải điện tử tận nhà" đã mang tới những tác động gì cho cộng đồng tại Việt Nam? Sự tác động đó được thể hiện như thế nào?
Chúng tôi đã gặt hái được những thành công nhất định trong Chiến dịch thu gom rác thải điện tử tận nhà năm 2017. Chiến dịch đã góp phần nâng cao ý thức người dân ở mỗi khu vực, và số lượng rác thải điện tử ở các điểm thu gom nhờ đó mà cũng gia tăng đáng kể.
Sau khi nhận thấy kết quả khả quan của chương trình, chúng tôi đã tổ chức lần thứ hai vào năm ngoái. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy rằng người dân địa phương đã tham gia tích cực hơn, mọi người chuẩn bị rác điện tử trước và chờ chúng tôi đến thu gom tận nhà.
Việc người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của quy trình xử lý rác thải điện tử là một dấu hiệu đáng mừng.
Việt Nam Tái Chế đang "lỗ" và cần hành lang pháp lý
Trong quá trình thực hiện các hoạt động, dự án về xử lý rác thải điện tử, Việt Nam Tái Chế nhận thấy khó khăn lớn nhất là gì? Bà có đề xuất gì với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng... để hoạt động của mình được lan tỏa hơn?
Thách thức lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt tại Việt Nam là người dân còn khá e dè khi mang thiết bị điện tử đến chương trình vì cho rằng chúng tôi không mang cho họ lợi ích nào. Thực ra, chúng tôi phải mất nhiều chi phí để có thể áp dụng được quy trình tái chế chuyên nghiệp, cũng như các chi phí vận hành chương trình và bộ máy quản trị điều hành.
Các địa điểm thu gom thường xuyên cũng phải mất rất nhiều chi phí, vì chúng tôi phải vận chuyển với các xe tải chuyên dụng có định vị GPS dành cho rác thải điện tử. Các nhân viên cũng cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp để xử lý các thiết bị thải bỏ.
Đáng tiếc, lợi nhuận có được từ các nguyên liệu sau tái chế không đủ để chi trả cho một quy trình tái chế chuyên nghiệp. Cho nên để duy trì quy trình tái chế chuyên nghiệp, chúng tôi cần mọi người hiểu được rằng giá trị cốt lõi của chương trình tái chế chuyên nghiệp mà chúng tôi đang cung cấp: đây là một dịch vụ miễn phí, được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử. Việt Nam Tái Chế chính là một món quà mà chúng tôi dành cho con người và môi trường Việt Nam.
Kinh nghiệm từ hai năm qua cho thấy thông tin và giáo dục là chìa khóa thành công của chương trình khi người dân và hộ gia đình vẫn hoài nghi và do dự. Các cơ quan chức năng có ảnh hưởng lớn đến lòng tin và sự sẵn sàng tham gia của người dân.
Vì thế, Việt Nam Tái Chế luôn làm việc với các cơ quan chức năng để duy trì sự hỗ trợ của họ đối với chương trình. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà sản xuất sẵn sàng tham gia và tài trợ cho chương trình của chúng tôi, làm tiền đề để chúng tôi phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch cộng đồng như Chiến dịch thu gom rác thải điện tử tận nhà, tham gia Ngày hội Tái chế, đặt các gian hàng/tổ chức các sự kiện nhỏ tại các trường đại học, xây dựng nhiều điểm thu gom hơn và tuyên truyền thông điệp vì môi trường xanh đến truyền thông…
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển trang Facebook fanpage với các nội dung, trò chơi vui nhộn, mang tính tương tác cao nhằm kêu gọi sự tham gia của cộng đồng sử dụng mạng xã hội.
Mục tiêu phát triển của Việt Nam Tái Chế trong năm 2018 là gì? Kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó như thế nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng Việt Nam Tái Chế trở thành chương trình thu hồi và tái chế rác thải điện tử số 1 tại Việt Nam.
Nhưng điều không may là Việt Nam vẫn còn thiếu quy định về nghĩa vụ thu hồi rác thải điện tử. Do đó các nhà sản xuất vẫn còn do dự khi tham gia chương trình. Chúng tôi hy vọng trong năm 2018 này sẽ có những thay đổi tích cực và chương trình của Việt Nam Tái Chế được hỗ trợ phát triển và mở rộng.
Xin cảm ơn bà!
Việt Nam Tái Chế là một tổ chức cộng đồng hoạt động phi lợi nhuận tại Việt Nam và được điều hành bởi Vietnam Recycling Platform (VRP). Đây là một liên minh các nhà sản xuát thiết bị điện hoạt động ở phạm vi khắp thế giới.
Việt Nam Tái Chế hoạt động tại Việt Nam với sứ mệnh nâng cao nhận thức của cộng đồng về thu gom và tái chế đúng cách các sản phẩm cuối vòng đời sử dụng và thu gom, tái chế rác thải điện tử theo các tiêu chuẩn mới nhất, chu trình khép kín...
Trong giai đoạn triển khai thử nghiệm, Việt Nam Tái Chế sẽ cung cấp các dịch vụ thu hồi rác thải điện tử cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Theo số liệu mới nhất, đợt thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2017, đã có 276 thiết bị điện tử được thu gom, 12 tình nguyện viên tham gia chiến dịch, hơn 7200 cam kết tái chế rác thải điện tử từ cộng đồng trên website: camketgiamracthaidientu.com
Hà Thế An - Báo Khám phá