Học đổi mới sáng tạo qua những bữa ăn trưa

Mỗi bữa trưa, học viên phải đi ăn với một người khác nhau. Đây là một trong những nguyên tắc được đặt ra tại khóa đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khóa tại ĐH Bách khoa TP.HCM.

Khóa đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được tổ chức tại ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Khóa đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được tổ chức tại ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Yêu cầu này nhằm rèn luyện cho các học viên kỹ năng networking (mối quan hệ) trong khóa học. PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng, chuyên gia đổi mới sáng tạo, Phó giám đốc trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ, kỹ năng kết nối là bài học đầu tiên cần có của những giảng viên đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi đặt ra nguyên tắc này để các giảng viên quen với việc kết nối và chia sẻ với nhiều người. Toàn bộ các giảng viên trong khóa học phải cùng đi ăn trưa với một người khác nhau mỗi ngày” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, các học viên sẽ được tiếp cận với các kiến thức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với 2 phần chính: Cung cấp các công cụ về đổi mới sáng tạo và đào tạo phương pháp giảng dạy, huấn luyện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường ĐH.

Sau khóa học 10 ngày, các học viên sẽ có thời gian 3 tháng tham gia vào chương trình huấn luyện các startup đang ươm tạo tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa TP.HCM (HCMUT-TBI), hoặc các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khác tại TP.HCM.

Giảng viên Lê Văn Hải, trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương không quản ngại đường sá xa xôi để đến với chương trình dạy. Thầy Hải đã hủy chuyến công tác tại Lào để tham gia suốt 10 ngày trong chương trình học.

Chia sẻ về lý do “máu me” với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thầy Hải cho biết, các kiến thức trước đó với thầy chỉ là những buổi chia sẻ ngắn hạn, chưa có chương trình nào đào tạo bài bản như ĐH Bách khoa TP.HCM. Vì thế, khi nhận được thông tin, thầy Hải đăng ký ngay để tham gia khóa học.

Một lý do khác là thầy Hải đã từng làm kinh doanh nhỏ, nên đây là cơ hội để thầy tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Với sinh viên ĐH Thủ Dầu Một, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn khá mới mẻ với các em. Những kiến thức sau khóa học sẽ được chúng tôi chia sẻ lại với sinh viên thông qua các hoạt động sinh hoạt đoàn, các buổi dạy. Ngoài kiến thức, chúng tôi còn có cơ hội được quen biết nhiều giảng viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mỗi bữa ăn trưa chúng tôi đều ngồi cùng nhau, chia sẻ những câu chuyện trong quá trình học. Nói chuyện một lúc, tôi mới nhận ra có những người đã từng gặp cách đây 7-8 năm trước nhưng mình quên mất. Nhiều trải nghiệm đáng nhớ với chúng tôi qua khóa học từ những sự kết nối như thế” - thầy Hải nói.

Khóa đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khóa 5 (ToT5) do trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đang tổ chức liên tục trong 10 ngày từ ngày 7 đến 18/05. Khóa học nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn tại các trường ĐH, Học viện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hà Thế An - Báo Khám phá

Bài gốc