Sáng kiến ngăn tình trạng nhảy cầu của một bà mẹ từng định tự tử

Sau khi nhận được sự giúp đỡ từ người đàm phán thuộc lực lượng cứu hộ và từ bỏ ý định tự tử khi đứng trên cây cầu, Lisa đã nhận ra một điều: “Tự tử không làm nỗi đau biến mất, mà thực tế chỉ là nỗi đau đó được chuyển sang cho người khác”.

Đi dọc theo các cây cầu tại đại đô thị Manchester, người đi đường có thể dễ dàng nhìn thấy những mẩu giấy với các thông điệp ý nghĩa được buộc trên thành cầu. Đó là nỗ lực ngăn chặn những người có ý định nhảy cầu của cô Lisa Barnes, một bà mẹ 2 con 46 tuổi từng suýt nhảy cầu tự tử.

Ngày 9.6 vừa qua, cô Lisa Barnes, một nhân viên quản lý tại Công ty British Gas đến từ Tameside, thành phố Manchester, Anh, đã phát động chiến dịch “Bridge the Gap” (Tạm dịch: “Cầu nối khoảng cách”).

Chiến dịch này nhằm đem những ghi chú được viết tay với các thông điệp ý nghĩa về cuộc sống treo dọc trên các cây cầu thường có người tự tử trong đại đô thị Manchester, nhằm giúp những người tìm đến cái chết biết rằng, họ không đơn độc.

Chia sẻ với MailOnline, cô Lisa nói: “Thông điệp mà chúng tôi đang cố gắng đưa ra là khi bạn đang ở trên cây cầu đó, ở nơi tối tăm nhất đó, bạn có thể vẫn tìm thấy một dấu hiệu ngăn bạn tìm đến cái chết”.

"Tôi từng được một người đàm phán giúp đỡ. Giờ tôi có mặt ở đây để giúp đỡ những người khác và kể câu chuyện của tôi.

Khi bạn cảm thấy bế tắc, hãy gọi đến những người tốt bụng hay gọi đến đường dây trợ giúp, vẫn luôn có một tia sáng ở cuối đường hầm. Hôm nay có vẻ rất tồi tệ nhưng ngày mai, mọi chuyện sẽ không còn khủng khiếp nữa và bạn sẽ lại cảm thấy tình yêu thương”, cô nói.

Cô Lisa chọn cái tên “Bridge the Gap” cho chiến dịch này vì khoảng cách (Gap) giữa cô và người đàm phán giúp cô rút lại ý định tự tử vào năm 2017 chính là một cây cầu.

Giải thích thêm về từ “khoảng cách” trong tên chiến dịch, Lisa nói: “Khi tôi trở về nhà và được ông xã chăm sóc, tôi đã nhận ra khoảng cách giữa việc nếu tôi tự tử thật và việc tôi được ngăn cản để không làm điều điên rồ đó”.

Sau khi nhận được sự giúp đỡ từ người đàm phán thuộc lực lượng cứu hộ và từ bỏ ý định tự tử khi đứng trên cây cầu, Lisa đã nhận ra một điều: “Tự tử không làm nỗi đau biến mất, mà thực tế là nỗi đau đó được chuyển sang cho người khác”.

Từ đó, cô hy vọng, bằng cách đặt những thông điệp tương tự trên cầu, cô có thể phần nào giúp ai đó gạt đi suy nghĩ tìm đến cái chết. Và như vậy, khả năng cứu được một mạng người cũng rất lớn.

“Tôi đã nghĩ ra cách sử dụng những ghi chú viết tay treo lên thành cầu, như một lời lưu ý cá nhân chứ không phải là một tấm bảng do một số tổ chức từ thiện nào quyên góp. Tôi viết những gì tôi nghĩ và tôi hy vọng mọi người có thể thấy điều đó”, Lisa nói.

Cảnh sát Manchester cũng đã làm việc với Lisa để cùng cô đính thêm nhiều những tờ ghi chú này lên các cây cầu khác trong thành phố, nơi có thể sẽ có nhiều người tìm đến với ý định quyên sinh.

Chiến dịch do Lisa phát động cũng đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ cư dân mạng với hơn 180.000 lượt xem trên tài khoản Facebook của cô chỉ sau hơn một tuần.

Hiện tại, Lisa đang lên kế hoạch mở rộng chiến dịch của mình thông qua trang GoFundMe với hy vọng sẽ gây quỹ để thực hiện những ghi chú tiếp theo trên nhiều cây cầu hơn.

Trà Li - Báo Dân Việt

Bài gốc