Nam sinh mê sáng chế được tuyển thẳng đại học
Nam sinh mê sáng chế Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 12A7 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng sẽ được tuyển thẳng vào đại học năm nay.
Nguyễn Công Minh hiện là học sinh lớp 12A7 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng. Với thành tích là Giải ba môn tin học kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2018, 2019, Minh sẽ được tuyển thẳng vào đại học.
Hiện thực hoá ước mơ vào đại học nhờ mê nghiên cứu
Sống ở vùng đất nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết và con người, Nguyễn Công Minh đã mày mò nghiên cứu, thiết kế một hệ thống chăm sóc cây trồng tự động. “Khu vườn thông minh” của cậu học sinh có thể tự điều chỉnh được ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và được điều khiển từ xa thông qua mạng Internet.
Sáng chế này đã giúp em giành giải nhì sáng tạo trẻ thanh, thiếu niên nhi đồng năm 2017 do tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Minh cho biết, từ nhỏ đến giờ, em không đi học thêm. Em bắt đầu say mê nghiên cứu từ khi còn học cấp 2. Đặc biệt Minh rất mê môn tin học và thường dành thời gian rảnh để tìm hiểu và lập trình. Kể từ khi biết tới ngôn ngữ lập trình Pascal, Nguyễn Công Minh đã bị môn tin học thu hút. Thời gian rảnh sau những giờ lên lớp, Minh đều dành để mày mò, sáng tạo trên máy.
Nhờ mê môn tin học, Minh đã “chế” ra Phần mềm hỗ trợ học tập “Chinh phục Program”. Phần mềm này cũng đã xuất sắc vượt qua 19 bài dự thi hợp lệ, giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng đợt 1 năm 2016. Cuộc thi do Tạp chí Khám phá và Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở (thuộc Sở KH-CN TPHCM) phối hợp tổ chức, nhằm thúc đẩy phong trào sáng kiến trong cộng đồng, đặc biệt với nhóm đối tượng nhà sáng chế không chuyên; tiếp nhận và phổ biến thông tin những sáng kiến nổi bật trong và ngoài nước; tôn vinh sáng kiến hữu ích, tạo động lực sáng tạo…
Ngoài ra, Minh còn liên tiếp “gặt hái” nhiều thành tích nổi bật khác, trong đó liên tục trong 2 năm 2018 và 2019, Minh đã đoạt giải Giải ba môn tin học kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia.
Chính vì những thành tích ở bộ môn tin học, Minh đã đủ tiêu chuẩn để được tuyển thẳng vào Đại học. Minh cho biết, em sẽ đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin – Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM để hiện thực hoá được ước mơ trở thành một lập trình viên.
Khát vọng hiện đại hóa nông nghiệp
Kể từ khi mày mò tìm kiếm tài liệu trong và ngoài nước để thực hiện dự án “Vườn thông minh”, Minh đã ấp ủ ước mơ hiện đại hoá nông nghiệp Việt Nam
Hiện em đang phát triển dự án GardenBot – Robot nông nghiệp. Đây là dự án về tự động hóa trong nông nghiệp được Minh phát triển từ “Vườn thông minh” thành dự án khởi nghiệp.
So với “Vườn thông minh”, GardenBot có nhiều ưu điểm vượt trội về khả năng tự động hoá cao hơn, theo dõi được chi tiết điều kiện môi trường hơn và có thể tích hợp vào các hệ thống có sẵn.
Dự án được triển khai ngay từ đầu năm học lớp 10 với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Trung Sơn. Dự án GardenBot này đã được chọn trình bày với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trong hội nghị trực tuyến trao đổi ý kiến với lãnh đạo tỉnh, và đã nhận được các ý kiến góp ý, hỗ trợ để Minh tiếp tục phát triển.
“Một dự án chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó thực sự có hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Em mong khi thực hiện dự án, nó có thể đến với được người nông dân - là người dùng chính của sản phẩm”, Nguyễn Công Minh.
Minh cho biết, Robot nông nghiệp là một hệ thống có thể giúp người nông dân thực hiện các công việc trên đồng ruộng, như: Gieo trồng, tưới nước, bón phân tự động.
Robot nông nghiệp có thể theo dõi hoạt động của từng khu vực cây trồng trong khu vườn, từ đó đưa ra các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng riêng biệt, đặt lịch hoạt động và điều khiển từ xa thông qua internet, bluetooth từ phần mềm cài đặt trên điện thoại, máy tính.
Nhờ đặc tính hoàn toàn tự động, được điều khiển bằng máy tính nên người nông dân có thể giảm đến 80% thời gian chăm sóc.
Minh cho hay: “Garden Bot - Robot nông nghiệp có thể tích hợp vào các hệ thống nhà vòm, nhà kính có sẵn để hoạt động, hoặc cũng có thể áp dụng tại các gia đình trồng rau quy mô nhỏ tại ban công, gian bếp, sân nhà, hoặc tận dụng các khoảng trống để tạo ra nguồn rau sạch, giúp cho những người nội trợ muốn tự trồng rau sạch để gia đình sử dụng nhưng lại không có thời gian chăm sóc có thể thực hiện mong muốn của mình”.
Mặc dù say mê tìm tòi và nghiên cứu nhưng cậu học trò này vẫn biết cân bằng giữa thời gian học và vui chơi, nghiên cứu khoa học.
Minh cho biết: “Em sử dụng các kiến thức học ở nhà trường để áp dụng vào thực tế, cân bằng thời gian giữa việc học tập với vui chơi và nghiên cứu khoa học, rèn luyện khả năng, kĩ năng bản thân qua những đề tài nghiên cứu.
Hiện, Minh vẫn đang phát triển dự án CPP – Chinh Phục Program mà em đã xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng đợt 1 năm 2016. Dự án giúp học sinh trung học được ôn luyện kiến thức tự nhiên xã hội trực tuyến tại địa chỉ: https://cpp.edu.vn.
Ngoài ra, em cũng nghiên cứu một thiết bị chuyển đổi ngôn ngữ kí hiệu thành tiếng nói, âm thanh ứng dụng công nghệ quét 3D và trí tuệ nhân tạo với tên gọi RealAct.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, cậu học trò Nguyễn Công Minh đã sở hữu rất nhiều các giải thưởng như: Giải nhì Chung kết Cuộc thi Giao Thông Học Đường toàn quốc; Giải khuyến khích Cuộc thi Khoa học Kĩ Thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016 – 2017; Giải khuyến khích Hội thi Tin Học Trẻ cấp quốc gia; Giải nhì Hội thi Sáng tạo kĩ thuật thành phố Bảo Lộc. Trong năm 2018, Minh cũng tiếp tục gặt hái các thành tích đáng kể như: Giải Ba Học sinh giỏi Quốc gia bộ môn Tin học; Giải Ba Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2017 – 2018; Giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn Tin học; Giải nhất Cuộc thi Giao Thông Học Đường tỉnh Lâm Đồng; Giải ba Hội thi Tin Học Trẻ tỉnh Lâm Đồng; Giải Ba Hội thi Tin Học Trẻ toàn quốc 2018. Năm 2019, Nguyễn Công Minh tiếp tục giành Giải Ba Học sinh giỏi Quốc gia bộ môn Tin học.
Minh Anh