Giấy ghi chú cảm xúc cho học sinh, giúp ngăn chặn nguy cơ tự tử
Một giáo viên ở bang California đã nảy ra ý tưởng, dùng những giấy ghi chú đủ màu sắc, để khuyến khích các học sinh chia sẻ cảm xúc, cũng như các vấn đề mà các em đang phải đối mặt, nhằm theo dõi sức khỏe tâm thần và ngăn chặn nguy cơ tự tử của học sinh.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Mỹ) cho thấy, 1/5 thanh thiếu niên ở xứ cờ hoa bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng, vào 1 số thời điểm trong cuộc sống. Trước thực trạng này, 1 giáo viên ở bang California đã nảy ra ý tưởng, dùng những giấy ghi chú đủ màu sắc, để khuyến khích các học sinh chia sẻ cảm xúc, cũng như các vấn đề mà các em đang phải đối mặt.
Tại các lớp mẫu giáo trên khắp nước Mỹ, học sinh có thể chọn hình thức chào hỏi bạn bè hoặc giáo viên, bằng cách chỉ vào những biểu tượng được dán trên tường sát cửa phòng học, tượng trưng cho bắt tay, ôm, đập tay hay vẫy tay. Phương pháp này thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của các em, thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên của lớp, được cộng đồng hưởng ứng nhiệt tình và ngày càng lan rộng.
Erin Castillo, giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học ở vùng vịnh San Francisco, bang California, đã phát triển ý tưởng trên, để áp dụng cho học sinh ở lứa tuổi lớn hơn, phức tạp về tâm lý. Cô tạo ra một tấm bảng đặc biệt, với mục đích theo dõi sức khỏe tâm thần của cả lớp.
Tấm bảng được chia thành sáu hàng với nội dung: “Tôi cảm thấy rất tuyệt”, “Tôi ổn”, “Tôi không có hứng thú lắm”, “Tôi đang khá chật vật”, “Tôi đang trải qua thời gian khó khăn và không bận tâm đến việc này”, “Tôi đang ở một nơi thực sự tăm tối”.
Học sinh viết tên của mình ở mặt sau tờ giấy ghi chú và dán nó vào bất kỳ hàng nào, mô tả đúng nhất cảm xúc của mình, mà không lo bị bạn bè nhìn thấy.
Cô giáo Castillo sẽ gặp riêng từng học sinh để trò chuyện, giúp các em giải tỏa căng thẳng cũng như giải quyết vấn đề.
Cô Castillo cho biết: “Hiện nay vẫn còn sự kỳ thị đối với những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất đau lòng khi nghe các em chia sẻ câu chuyện của bản thân”.
Là giáo viên giáo dục đặc biệt, trong năm năm qua, Castillo đã chứng kiến nhiều học sinh cố gắng tự tử. Cô thiết kế tấm bảng, nhằm tạo cơ hội cho học sinh chia sẻ cảm xúc theo một cách ẩn danh và không cần dùng đến lời nói. Cô cũng muốn các em biết rằng, mình không phải người duy nhất trải qua cảm xúc tiêu cực, bởi nhiều bạn khác cũng dán tờ giấy vào vị trí tương tự.
“Bọn trẻ cần hiểu, chúng không đơn độc và chúng luôn được hỗ trợ” - Cô Castillo nói.
Khi nhận thấy hiệu quả mà tấm bảng mang lại, Castillo đăng lên mạng, để các đồng nghiệp khác ở khắp nơi có thể cùng áp dụng. Sau khi trang Suicide Awareness/Prevention (Nhận thức và Ngăn ngừa Tự tử) đăng lại, sáng kiến của cô thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người trên Facebook.
Các giáo viên khác bắt đầu sử dụng tấm bảng trong lớp học của mình và chụp ảnh đăng lên Instagram. Họ đánh giá rất cao ý nghĩa của nó, trong bối cảnh ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Những học sinh trong lớp của cô giáo Castillo cho biết, giờ đây các em đã cởi mở hơn, mạnh dạn chia sẻ với cô mỗi khi gặp vấn đề từ gia đình cho đến trường học. Cũng nhờ tinh thần thoải mái, nên thành tích học tập của các em cũng được cải thiện đáng kể.
Daniel Ferguson Morales, 1 em học sinh chia sẻ: “Em đã từng rơi vào trạng thái bi quan, u tối, nhưng hiện em cảm thấy tốt hơn trước rất nhiều.”
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Abnormal Psychology, khoảng 35% sinh viên năm nhất có tiền sử mắc ít nhất một chứng rối loạn tâm thần. Các nhà nghiên cứu cho rằng, áp lực để trở nên hoàn hảo là một “bệnh dịch” đang lan rộng trong giới trẻ, khiến sức khỏe tâm thần của họ tổn hại nghiêm trọng.
Castillo rất xúc động khi nhìn thấy ý tưởng của mình lan truyền rộng rãi.
Cô nói: “Tôi đã bật khóc. Khi chồng hỏi lý do, tôi trả lời: Vì những đứa trẻ ở khắp mọi nơi đang được cứu giúp”.