Ứng dụng công nghệ tự hành vào trồng lúa
Tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc mới đây đã thử nghiệm ứng dụng công nghệ tự hành vào hoạt động trồng lúa ở địa phương. Những chiếc máy cày, máy cấy, máy cắt lúa không người lái được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng cho nông dân và tăng năng suất vụ mùa.
Đây là các loại máy móc nông nghiệp tự hành do nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Giang Tô phát triển hồi năm 2018. Tuy nhiên, mãi đến giữa tháng 5 vừa qua, một cuộc thử nghiệm quy mô lớn mới được thực hiện, với sự chứng kiến của nhiều chuyên gia và những người nông dân.
Giới chức Giang Tô đang thúc đẩy kế hoạch triển khai máy móc nông nghiệp tự động trong sản xuất lúa, do số lượng lao động địa phương đang ngày một giảm.
“Rất nhiều người đã đổ đến thành phố để tìm việc làm. Hậu quả là nhiều cánh đồng bị bỏ hoang, không có người canh tác. Vì vậy tôi cho rằng ứng dụng công nghệ tự hành sẽ giúp phát triển ngành nông nghiệp địa phương”, ông Yan Xiaohong, Trường Đại học Giang Tô nói với SCMP.
Hiện Trung Quốc cũng đang thử nghiệm máy cày, máy cấy, máy thu hoạch không người lái trên các cánh đồng lúa mì, rau củ và cây bông.
Trước đó, vào tháng 10/2018, Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm thiết bị nông nghiệp không người lái quy mô nhỏ ở thị xã Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô.
“Tự động hóa nông nghiệp là con đường hướng đến tương lai và nhu cầu tại đây rất lớn”, Cheng Yue, tổng giám đốc hãng sản xuất máy kéo Changzhou Dongfeng CVT, nói với Reuters. Đây là đơn vị cung cấp những phương tiện tự động dùng trong cuộc thử nghiệm ở Hưng Hóa.
Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu trong vòng 7 năm phát triển những cỗ máy tự động hoàn toàn có thể gieo trồng, bón phân và thu hoạch ba loại cây trồng chủ lực gồm lúa, lúa mỳ, ngô.
Để đạt được tham vọng này, Bắc Kinh đã và đang hỗ trợ các cuộc thử nghiệm công nghệ địa phương trên cả nước do Liên minh Ứng dụng Công nghiệp Telematics (TIAA) tổ chức.
Thành viên của TIAA gồm công ty sản xuất máy kéo quốc doanh YTO, nhà sản xuất thiết bị định hướng Hwa Creat cùng công ty công nghệ và khoa học công nghiệp nặng Zoomlion – đơn vị từng phối hợp với Đại học Giang tô để phát triển máy gặt đập liên hợp thử nghiệm ở Hưng Hóa.
Giới chức Trung Quốc kỳ vọng giai đoạn thử nghiệm này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của công nghệ canh tác nông nghiệp tự động trong tương lai.
Tuy nhiên, chặng đường tới tự động hóa của Trung Quốc còn dài và có nhiều trở ngại như chi phí cao, địa hình quốc gia không đồng đều và nhiều nông trại có quy mô nhỏ.
“Tôi đã nghe về máy kéo không người lái. Tôi không nghĩ chúng có tính thực tiễn, đặc biệt là những cỗ máy lớn”, Li Guoyong, nông dân trồng lúa mỳ tại tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, cho biết.
Hơn 90% số nông trại ở Trung Quốc rộng chưa đến 1 hecta. Hơn nữa, nhiều nông trại ở Trung Quốc vẫn quá nhỏ để sử dụng máy kéo thông thường. Chuyển sang dùng máy kéo không người lái có thể tốn kém gấp 4 lần, khoảng 90.000 USD, khoản tiền nằm ngoài tầm với trong ngắn hạn đối với nhiều người.
Dù vậy, giới phân tích và các quan chức trong ngành cho biết trong tương lai, các nông trại có xu hướng rộng lên nhờ những cải cách về quyền sử dụng đất đang được triển khai, cho phép nông dân thuê thêm diện tích.
Trung Quốc hiện đã đạt nhiều tiến bộ trong tự động hóa. Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ còn tiến những bước dài trên con đường này.
“Trung Quốc sẽ leo rất nhanh lên chiếc thang công nghệ tự động, chủ yếu bởi các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận hệ thống vệ tinh định vị bản địa, giúp họ có lợi thế trước các đối thủ quốc tế”, Alexious Lee, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại công ty môi giới CLSA, Hong Kong, nhận định.
Bắc Kinh cũng đưa máy nông nghiệp vào chiến dịch “Made in China 2025”, đồng nghĩa phần lớn thiết bị nông nghiệp của Trung Quốc sẽ được sản xuất trong nước vào thời điểm đó.
Huyền Thương (Theo SCMP)