Tái chế thuyền cao su thành túi xách

Những chiếc thuyền cao su chở người tị nạn, sau khi vào đến các bờ biển, thường bị bỏ lại. Tuy nhiên, có 1 người phụ nữ đã tận dụng những chiếc thuyền cao su đó, biến chúng thành những chiếc túi xách, những vật dụng có ích trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi năm, trên bờ biển của các nước châu Âu có hàng trăm chiếc thuyền cao su bị những đoàn người di cư vứt bỏ. Việc này không những làm mất vẻ mỹ quan, mà còn ảnh hưởng xấu tới môi trường.


Những chiếc thuyền cao su chở người tị nạn trên các vùng biển châu Âu.

Những chiếc thuyền cao su chở người tị nạn trên các vùng biển châu Âu.

Với sáng kiến tái chế những chiếc thuyền cũ ấy thành vật dụng có ích, một phụ nữ di cư Afghanistan tại Hy Lạp, đang góp phần làm giảm lượng rác thải và giúp nhiều người di cư khác có thêm công việc để mưu sinh.

Năm 2016, một làn sóng người tị nạn đổ vào bờ biển Hy Lạp bằng những chiếc thuyền cao su và chị Fariba Amini là một trong số đó.

Chị Fariba Amini, 31 tuổi, là người đã nảy ra ý tưởng biến thuyền cao su thành túi xách.

Chị Fariba Amini, 31 tuổi, là người đã nảy ra ý tưởng biến thuyền cao su thành túi xách.

Chị Fariba Amini, 31 tuổi, chậm rãi tâm sự về quãng đường gian khó để đến được miền đất hứa:

Tôi nhớ như in khoảng thời gian lênh đênh trên biển để đến được đây. Chúng tôi đã gặp vô vàn khó khăn. Có những người cùng đoàn đã phải bỏ mạng. Tôi không thể nào quên nổi

Thời gian đầu đến Hy Lạp, Amini tự học thiết kế bằng cách xem các video trên Youtube. Chij bán các sản phẩm đầu tay tại các khu chợ, bán cho bạn bè và bán trực tuyến trên mạng.

Thế rồi, sản phẩm của cô đến tay một tổ chức hỗ trợ người tị nạn ở Đức và kể từ đó, chị bắt đầu chia sẻ các ý tưởng của mình với các nhà thiết kế người tị nạn khác.

Chị Fariba Amini và những sản phẩm do chính tay mình làm ra.

Chị Fariba Amini và những sản phẩm do chính tay mình làm ra.

Chị Fariba Amini chia sẻ với phóng viên Reuters: “Cảm giác thật tuyệt vời, khi mình có thể tạo ra những vật dụng hữu ích từ những thứ bị vứt bỏ ấy. Tôi muốn giúp đỡ thật nhiều người có cùng hoàn cảnh như mình”.

Đến nay, bản thân người phụ nữ Afghanistan này cũng không thể ngờ rằng, nhờ việc tái chế những chiếc thuyền và áo phao cũ thành những chiếc túi xách thời trang, chị đã có thể mưu sinh trên quê hương thứ hai của mình.

Những chiếc túi vừa thời trang, vừa bền và đẹp, của chị Fariba.

Những chiếc túi vừa thời trang, vừa bền và đẹp, của chị Fariba.

Giờ tôi chỉ có một mình ở đây. Tôi đã chứng kiến mẹ tôi ra đi. Đó là điều vô cùng khó khăn. Nhưng giờ, với công việc này, ít ra tôi cũng có thể tự lo cho mình, và thậm chí là hỗ trợ cả người khác nữa” – chị Fariba Amini cho biết thêm.

Từ sáng kiến trên, cùng sự giúp đỡ của Ủy ban Cứu hộ Nhân đạo Quốc tế, chị Fariba Amini đã có được một khoản vốn để kinh doanh.

Chị Fariba chia sẻ các ý tưởng của mình với các nhà thiết kế người tị nạn khác.

Chị Fariba chia sẻ các ý tưởng của mình với các nhà thiết kế người tị nạn khác.

Hiện nay, dù nhiều người thân của chị đã chuyển tới Đức sinh sống, nhưng Amini vẫn quyết định ở lại Hy Lạp, mở rộng việc kinh doanh túi xách tái chế, với mong muốn có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ vượt qua khoảng thời gian khó khăn trong đời.

Thương Huyền (Theo Reuters)