Sản xuất bít tết nhân tạo tại sao không?


Đối với các tín đồ của món ăn bít tết, giờ đây sẽ có thêm 1 lựa chọn nữa, đó là món bít tết nhân tạo của 1 công ty khởi nghiệp Israel. Đây được coi là một dấu mốc đặc biệt, mở ra tương lai con người không cần giết động vật để lấy thịt.

Từ nhiều năm qua, Liên Hiệp Quốc kêu gọi mọi người nên bớt ăn thịt để bảo vệ môi trường. Chăn nuôi được xem là một trong những ngành tác động lớn đến môi trường như khí thải, phá rừng lấy đất, sử dụng nhiều nước sạch, nhiều trang trại xả trực tiếp chất thải ra môi trường mà không qua xử lý…

Từ nhiều năm qua, LHQ kêu gọi mọi người nên bớt ăn thịt để bảo vệ môi trường.

Từ nhiều năm qua, LHQ kêu gọi mọi người nên bớt ăn thịt để bảo vệ môi trường.

Đó là chưa kể đến thức ăn chăn nuôi công nghiệp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong khi đó, vào năm 2050, sản lượng thịt tiêu thụ trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng 76% so với hiện nay.

Đó cũng là lý do khiến công ty khởi nghiệp Aleph của Israel bắt đầu công cuộc tạo ra những miếng thịt nhân tạo.

Đây chính là miếng thịt do Aleph làm ra.

Đây chính là miếng thịt do Aleph làm ra.

Chúng được được phát triển bằng cách lấy mẫu tế bào từ động vật sống, sau đó biến chúng thành thức ăn bằng phương pháp ủ. Một loạt công nghệ phức tạp được ứng dụng để tạo ra 4 loại mô động vật khác nhau bao gồm: tế bào gốc, tế bào mỡ, tế bào mạch máu và tế bào cơ.

Sau đó, chúng được kết hợp để tạo thành một hình dạng phức tạp và mất 3 tuần để tạo thành một miếng bít tết hoàn chỉnh, với các cấu trúc mô động vật phức tạp giống như miếng thịt đích thực và hương vị giống thật khoảng 60 - 70%.

Một khẩu phần ăn bao gồm một miếng bít tết được nuôi trong phòng thí nghiệm của Công ty Aleph Farms.

Một khẩu phần ăn bao gồm một miếng bít tết được nuôi trong phòng thí nghiệm của Công ty Aleph Farms.

Tiến sĩ Neta Lavon, thuộc Công ty khởi nghiệp Aleph Farms, Israel, giới thiệu với phóng viên Reuters về loại thịt đặc biệt này: “Thịt bò trong phòng thí nghiệm được lấy từ các tế bào cơ, mô mỡ và mạch máu của một con bò, để làm cơ sở tạo ra các loại tế bào khác nhau. Sau đó, chúng được nuôi trồng trong môi trường 3 chiều để cho ra một miếng thịt có hình dạng, kết cấu và mùi vị như loại bít tết thường ăn, mà không cần phải giết mổ con vật”.

Thịt bò bít tết nhân tạo này có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt bò thông thường, bao gồm sắt và vitamin, nhưng nó có thể được chế biến để thậm chí còn tốt cho sức khỏe hơn khi giảm thiểu tác động của các thành phần như cholesterol hoặc chất béo bão hòa.

Tiến sĩ Neta Lavon cho biết thêm: “Mùi thịt nấu lên rất thơm. Nó hơi dai, giống vị thịt. Tôi đã tận mắt kiểm chứng và cảm nhận từng thớ thịt khi cầm dao cắt nó. Chúng tôi đang định hình tương lai của ngành công nghiệp thịt. Chúng tôi tin rằng miếng thịt mà chúng tôi tạo ra là miếng thịt đầu tiên được làm mà không cần giết mổ động vật”.

Để tạo ra được sản phẩm này, Aleph Farms mất từ 2 đến 3 tuần, với chi phí sản xuất là 50 USD một miếng. Họ gọi phiên bản thịt bò nhân tạo thử nghiệm là “bò một phút”, bởi chỉ cần nấu miếng thịt vài phút là sẽ chín. Hiện công ty đang tìm kiếm đối tác là các nhà hàng cao cấp trên khắp thế giới để thương mại hóa loại bít tết nhân tạo này vào năm 2021.

Các nhân viên nuôi thịt bò nhân tạo trong phòng thí nghiệm của Aleph Farms.

Các nhân viên nuôi thịt bò nhân tạo trong phòng thí nghiệm của Aleph Farms.

Didier Toubia, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Aleph Farms cho biết, công ty có tham vọng trở thành một trong 3 nhà sản xuất thịt hàng đầu thế giới trong vòng 20 năm. Aleph Farms được thành lập vào năm 2017, với sự hợp tác của Technion - Viện Công nghệ và nhà sản xuất thực phẩm Israel của Tập đoàn Strauss.

Theo nghiên cứu thị trường của Good Food Institute, số lượng các công ty khởi nghiệp sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm đã tăng gấp 4 lần từ cuối năm 2016, lên hơn 20 công ty vào năm ngoái.

Thương Huyền (Theo Reuters)