Sinh viên chế thùng rác thông minh, tự phân loại rác bằng AI

Khi rác được đưa vào thùng hệ thống máy học sẽ phân tích hình ảnh của rác để xác định loại rác tái chế hay không tái chế và đưa vào thùng chứa.

Một nhóm sinh viên gồm: Trần Lê Duy, Nguyễn Mậu Hiếu, Lê Diệu Hoa, đang theo học ngành công nghệ phần mềm, ĐH FPT tại TP.HCM đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chế ra thùng rác thông minh có khả năng tự phân loại rác.

Trần Lê Duy, bên cạnh sản phẩm thùng rác thông minh có tên gọi "Magic Bin". Ảnh: NVCC.

Trần Lê Duy, bên cạnh sản phẩm thùng rác thông minh có tên gọi "Magic Bin". Ảnh: NVCC.

Trần Lê Duy, trưởng nhóm chia sẻ, lý do để nhóm nghiên cứu sản phẩm này là hiện nhiều địa phương, đặc biệt là TP.HCM đang tích cực vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn. Việc phân loại đúng rác thải sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.

“Tuy nhiên, hiện nay việc phân loại rác thải vẫn được làm thủ công, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phân loại rác thải. Vì thế, nhóm muốn tạo ra một sản phẩm thùng rác thông minh có thể tự động phân loại rác, cũng như giúp cơ quan nhà nước quản lý rác tốt hơn”- Duy nói.

Theo đó, khi người sử dụng bỏ rác vào thùng, một chiếc camera sẽ hoạt động và chụp lại hình ảnh rác, sau đó chuyển hình ảnh về khu vực điều khiển. Hệ thống máy học (machine learning) sẽ dựa vào hình ảnh để nhận dạng đó là rác thải nào. Sau đó, bộ điều khiển sẽ ra lệnh cho hệ thống cơ học gạt cần gạt để đưa rác vào đúng khoang.

Hiện tại, nhóm có hai khoang chứa rác là rác không tái chế (rác vô cơ) và rác tái chế (rác hữu cơ). Ngoài ra, nhóm cũng lắp đặt những cảm biến tại miệng thùng rác để báo hiệu khi rác đầy.

Thùng rác được nhóm thử nghiệm và kết quả có độ chính xác cao. Ngăn bên trái là rác vô cơ, ngăn phải là rác hữu cơ. Ảnh: NVCC.

Thùng rác được nhóm thử nghiệm và kết quả có độ chính xác cao. Ngăn bên trái là rác vô cơ, ngăn phải là rác hữu cơ. Ảnh: NVCC.

“Nhóm đã thiết kế một ứng dụng di động (app) để quản lý hoạt động của thùng rác như vị trí thùng rác, tình trạng rác,…Đây là những ứng dụng có thể giúp các đơn vị quản lý rác có thể chủ động hơn trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải, góp phần thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình”- Nguyễn Mậu Hiếu, thành viên nhóm chia sẻ.

Theo Lê Duy, hiện nay nhóm đã thử nghiệm thùng rác với kết quả độ chính xác khi phân loại đạt 90%. Bộ dữ liệu mà nhóm đã xây dựng được thông qua trí tuệ nhân tạo là: chai, lon, hộp xốp, ly nhựa,…Và nhóm có thể xây dựng bộ dữ liệu lớn hơn để có thể phân loại nhiều loại rác hơn nữa.

“Tuy nhiên, một vấn đề khá lớn trong việc phân loại rác hiện nay là rác có thể đựng trong các bọc nilong, trong đó chứa nhiều loại rác hỗn hợp. Vì thế hệ thống sẽ rất khó nhận biết. Vì thế nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra một quy trình xử lý rác hỗn hợp này. Có thể, chúng em sẽ phát triển một loại cánh tay robot để có thể tách các loại rác từ túi rác hỗn hợp, sau đó tiếp tục đưa vào quy trình cũ để tiếp tục phân loại”- Duy nói.

Hiện tại, với thùng rác thông minh, nhóm để xuất được lắp đặt ở những nơi công cộng, nơi có nhiều người qua lại như công viên, đường phố,…hay còn có thể đặt trong các toà nhà như công ty, trường học…Nhóm cũng đã đưa ra chi phí sản xuất cho một thùng rác thông minh khoảng 2 triệu đến 3 triệu đồng.

“Việc đưa thùng rác ở nơi công cộng có thể giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hay giáo dục cộng đồng biết cách phân loại rác hơn.”- Lê Diệu Hoa, thành viên nhóm chia sẻ.

Phiên bản hoàn thiện của thùng rác có tên gọi Magic Bin này cũng được nhóm mang đến dự thi cuộc thi “IoT Showcase” và giành được giải ba vòng chung kết toàn quốc. 

Hà Thế An