Hai dãy hộ lan bánh xoay chống lật xe đầu tiên ở Sài Gòn

Hộ lan bánh xoay lắp trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) chuyển đổi năng lượng tác động thành năng lượng quay và kéo xe trở lại đường lưu thông bình thường, ngăn chặn các vụ lật xe.

Khoảng nửa tháng qua, tài xế lưu thông trên đường Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM) hướng về quận Thủ Đức khá bất ngờ với 2 dải phân cách gắn nhiều con quay màu vàng. Nhiều tài xế cho biết đây là lần đầu tiên thấy loại này và không rõ cơ quan chức năng lắp đặt nhằm mục đích gì.


Hộ lan bánh xoay hạn chế được tình trạng lật xe khi xe tải va quệt vào lan can bên đường. Ảnh: Sỹ Đông.

Hộ lan bánh xoay hạn chế được tình trạng lật xe khi xe tải va quệt vào lan can bên đường. Ảnh: Sỹ Đông.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Duy tu, Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn, cho biết dải phân cách này được gọi là hộ lan bánh xoay, thiết bị này được lắp đặt từ 2 tuần qua.

Theo khảo sát của đơn vị, các vị trí mũi tàu phân chia hướng đi giữa làn xe hỗn hợp và ôtô trên tuyến đường Mai Chí Thọ có bán kính nhỏ, xe thường xuyên va quệt với lan can gây mất an toàn giao thông.

Do đó, trung tâm đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải cho phép lắp đặt hộ lan bánh xoay để tăng cường cảnh báo, đảm bảo an toàn giao thông.

“Khi tai nạn giao thông xảy ra, các bánh xoay tự do trên trụ làm giảm lực tác động của xe, chuyển đổi năng lượng tác động thành năng lượng quay và kéo xe trở lại đường lưu thông bình thường”, ông Thành nêu nguyên lý hoạt động của thiết bị.

Các bánh xoay được làm bằng vật liệu composite EVA và polyurethane có tính đàn hồi, chống va đập và chịu mài mòn giúp bảo vệ hộ lan tôn, lái xe và hành khách. Bánh xoay có màu vàng, hiệu ứng phản quang cao nên tăng sự chú ý cho người lái xe, nhất là vào ban đêm và trời mưa.

Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn dự kiến lắp thêm hộ lan bánh xoay ở nút giao Cát Lái và Tân Kiên. Ảnh: Sỹ Đông.

Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn dự kiến lắp thêm hộ lan bánh xoay ở nút giao Cát Lái và Tân Kiên. Ảnh: Sỹ Đông.

Chi phí lắp đặt thiết bị này khoảng 13 triệu đồng/m từ nguồn vốn bảo dưỡng đường bộ năm 2019 của Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn. Trong điều kiện thời tiết bình thường, thiết bị này có tuổi thọ hơn 10 năm.

Ông Thành cho biết trước khi lựa chọn loại vật liệu này, đơn vị đã nghiên cứu hiệu quả của thiết bị lắp đặt tại dốc Cun trên quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình. Đây là điểm đen tai nạn giao thông của Hòa Bình.

Sau khi lắp đặt, hộ lan bánh xoay đã phát huy tác dụng khi ngăn được xe tải tông thẳng vào vách núi trong vụ tai nạn giao thông ngày 8/5.

Đại diện Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn cho biết sau khi đánh giá hiệu quả của các vị trí lắp đặt, đơn vị này sẽ đề xuất Sở GTVT lắp đặt thêm 2 khu vực gồm nút giao Cát Lái và nút giao Tân Kiên.

Theo Zing