Cuộc thi robot toàn cầu tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm đại dương
Năm nay, nhiệm vụ của robot là thu gom các quả bóng cam với kích cỡ khác nhau trên sân chơi, chính là mô phỏng những rác thải gây ô nhiễm do con người tạo ra trên đại dương.
Cuộc thi quốc tế về robot có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang diễn ra sôi động tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Sự kiện năm nay thu hút 1.500 sinh viên đến từ 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm đại dương toàn cầu.
Cuộc thi "Robotics Olympics" không chính thức, do tổ chức First Global Challenge tổ chức, khuyến khích giới trẻ theo đuổi các chủ đề khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các đội thi gồm 4-5 sinh viên ở độ tuổi 14-18 tuổi. Mỗi đội nhận được những vật liệu thô cần thiết như dây dẫn, bánh xe… để lắp ráp thành những chú robot lưu động.
Năm nay, nhiệm vụ của robot là thu gom các quả bóng cam với kích cỡ khác nhau trên sân chơi, chính là mô phỏng những rác thải gây ô nhiễm do con người tạo ra trên đại dương. Một số đội đã lắp ráp được những chú robot có khả năng gắp bóng, trong khi những đội khác tạo ra được những robot bắt và ném bóng vào thùng chứa.
Sau đó, các đội thành lập liên minh với mỗi liên minh gồm nhiều thành viên đến từ tối đa bốn quốc gia để cạnh tranh tại vòng chung kết. Tại trận chung kết đầy kịch tính, đội do sinh viên Belarus làm đội trưởng đã loại được đội do sinh viên Israel dẫn đầu và giành được huy chương vàng.
Sự kiện ba ngày trên diễn ra trong không khí sôi nổi và thu hút được nhiều người tham gia ủng hộ cho các đội chơi. Trước đó, những cuộc thi tương tự được tổ chức tập trung vào các vấn đề nước sạch và năng lượng bền vững. Chủ đề năm nay tập trung vào ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương trong bối cảnh tình trạng này đã trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế ngày càng nghiêm trọng.
Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa đang được sản xuất ra hằng năm, và hầu hết các vật dụng làm bằng nhựa đều bị đưa đến các hố chôn hoặc gây ô nhiễm các đại dương.
Ô nhiễm nhựa, đặc biệt tại các con sông, kênh, lạch và đại dương, đang trở thành mối nguy hiểm nghiêm trọng về sinh thái khi nó đe dọa tới tính mạnh của các loài thủy hải sản, thủy sinh và chim muông, gây mất mỹ quan tại các bãi biển và tạo ra một lượng rác thải khổng lồ trôi nổi trên các đại dương.
Các nhà khoa học đã cảnh báo khi nhựa phân hủy dần, các hạt vi nhựa sẽ thâm nhập vào các chuỗi thức ăn và đi vào trong cơ thể con người, de dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Một nghiên cứu do WWF công bố tháng Sáu vừa qua cho thấy con người có thể đang "nạp" vào cơ thể 5gr nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng.
Theo TTXVN