Diều siêu nhẹ phát điện từ gió biển
Công ty Makani ở California, Mỹ, thử nghiệm thành công diều siêu nhẹ, khai thác năng lượng tái tạo từ những cơn gió mạnh nhất giữa biển khơi.
Thiết kế mới được đặt tên là Wing7, trông giống như một con diều lớn, với 2 tua bin gió được gắn vào thân diều.
“Đối với tôi, thiết bị trông gần giống máy bay. Điều gì biến nó thành một con diều?”, Rachel Crane, phóng viên mục Sáng kiến của Hãng thông tấn Mỹ CNN đặt câu hỏi với tác giả của ý tưởng này, ông Fort Felker. Ông Fort Felker cũng là Giám đốc điều hành của Công ty Makani Power.
“Bạn biết không, khi bạn thả diều trong công viên, diều được nâng lên bởi sức gió và bạn giữ diều bằng dây. Diều của chúng tôi cũng vậy. Khi ở trong không trung, diều năng lượng dài 26m của Makani tự động bay xung quanh, dẫn hướng qua máy tính. Gió tạt ngang làm quay 8 cánh quạt và tạo ra điện, truyền về đất liền qua dây nối. Bộ khung bằng sợi carbon khiến diều siêu nhẹ. Diều năng lượng của chúng tôi nhẹ đến mức chúng tôi có thể lắp đặt ở vùng biển sâu trên những sàn nổi. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể thu được gió xa hơn ngoài khơi, nơi những tua bin không thể hoạt động”, ông Fort Felker giải thích.
“Tổng thống từng nói, những trang trại điện gió ngoài khơi trông rất vướng mắt. Liệu thiết bị này có giải quyết được vấn đề hay không?”, phóng viên Rachel Crane tiếp tục thắc mắc.
“Một trong những cơ hội đối với Makani là khả năng vận hành ở vùng biển sâu hơn, giúp đẩy công nghệ ra xa hơn ngoài khơi. Bạn thực sự không thể nhìn thấy thiết bị từ đất liền. Chúng tôi cho rằng, nó ít ảnh hưởng tới tầm nhìn hơn”, ông Felker tự tin nói.
Tháng trước, ở Na Uy, Makani Power đã thử nghiệm đưa Wing7 lên độ cao 400m, từ độ cao này thiết bị đã tạo ra một dòng điện có công suất 20kW trong điều kiện sức gió là 35km/h.
Các kỹ sư của Makani Power đã sử dụng vật liệu sợi carbon để tạo ra Wing7, với mục đích giảm tối đa khối lượng của thiết bị bay này. Wing7 có thể bay theo phương ngang và thẳng đứng nhờ vào thiết kế đặc biệt.
Fort Felker, Giám đốc điều hành của Công ty Makani Power, cho biết: “Wing7 cất cánh thẳng đứng và sau khi đạt đến độ cao nhất định, sẽ di chuyển theo phương ngang để đón các luồng gió mạnh, nhờ sự điều khiển của các bộ cảm biến khí động được gắn vào thân diều”.
Dòng điện tạo ra nhờ sức gió sẽ được chuyển xuống một bộ ắc quy tại tháp điều khiển, thông qua dây giữ diều có tích hợp dây dẫn điện.
Đường bay của Wing7 sẽ được tính toán để đón được hướng gió mạnh nhất. Như vậy, so với việc gắn tua bin gió lên một tháp cố định như hiện nay, diều tua bin có khả năng tạo ra hiệu suất lớn hơn nhiều, nhờ vào việc tiết giảm được các vật liệu và chi phí để xây tháp.
Makani đã hoàn thành thành công chuyến bay đầu tiên ngoài khơi ở vùng biển sâu, nhưng diều của họ vẫn cần vài năm trước khi tung ra thị trường.
“Nếu hệ thống của Makani được áp dụng rộng rãi, nó có thể tạo ra tác động như thế nào?”
“Nhiều khu vực trên thế giới thực sự không có nguồn năng lượng tái tạo tốt, nhưng có nguồn gió ngoài khơi. Diều siêu nhẹ của chúng tôi giúp khai thác nguồn năng lượng đó, với chi phí tiết kiệm và cung cấp năng lượng tái tạo cho hàng trăm triệu người”, ông Fort Felker khẳng định tiềm năng của Wing7.
Công ty Makani Power đang đặt mục tiêu chế tạo được một chiếc diều tua bin lớn hơn Wing7, với công suất phát điện là 1MW khi bay ở độ cao 550m.
Giới khoa học rất kỳ vọng về loại tua bin diều này, khi nó có thể sẽ trở thành nguồn năng lượng tuyệt vời cho Trái đất trong tương lai không xa, giúp hạn chế tối đa phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Thương Huyền (Theo CNN)