Lão nông sáng chế máy làm đất từ đồ "lượm lặt" khắp nơi
Trong quá trình lao động sản xuất, ông Nguyễn Hữu Trí (thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã cải tiến thành công máy làm đất sản xuất, giúp giải quyết thiếu hụt nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản phẩm máy làm đất của ông đã được giải khuyến khích tại hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh năm 2018 - 2019.
Ông Trí chia sẻ, gia đình ông có 0,7ha đất trồng tỏi, dưa hấu và đậu phộng. Vào mùa vụ, ông phải thuê hàng chục nhân công từ việc làm cỏ, xới đất, làm rãnh... tốn nhiều chi phí sản xuất. Hơn nữa, việc thiếu nhân công thường xuyên xảy ra, dẫn đến chậm mùa vụ.
Với tình trạng đó, ông Trí luôn trăn trở làm thế nào để chuyển từ lao động chân tay sang cơ giới hóa, giúp cắt giảm chi phí. Từ suy nghĩ, ông bắt đầu lên mạng tìm hiểu thông tin cộng với kinh nghiệm từng học qua cơ khí, ông đã mua các bộ phận riêng lẻ như: đầu máy nổ Honda, các loại sắt V2, V3, sắt ống tiếp tròn dùng để làm khung máy... về tự mày mò hàn, lắp ráp.
Sau thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều lần thất bại, nhiều đêm không ngủ, chiếc máy làm đất sản xuất đầu tiên của ông Trí ra đời với các chức năng: cày lật, băm, đảo đất, trang đất lấy mặt bằng, đánh rãnh, xới cỏ… Chi phí lắp máy chỉ 5 triệu đồng. Từ khi có máy, việc sản xuất của gia đình ông trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Theo tính toán của ông Trí, từ tháng 6-2017 đến nay, nhờ sử dụng máy làm đất mà mỗi vụ gia đình ông tiết kiệm được hơn 22 triệu đồng tiền công lao động.
Không chỉ sử dụng cho gia đình, ông Trí còn giúp những hộ lân cận làm đất để kịp thời vụ. Ông Trí chia sẻ: “Tôi làm ra máy không phải để bán, mà để giúp gia đình và giới thiệu để người dân dựa theo mẫu mã đó đặt các cơ sở cơ khí làm”. Ông Phan Văn Dũng (thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 0,6ha đất chủ yếu trồng đậu phộng, dưa hấu và tỏi. Từ khi có máy làm đất của ông Trí, gia đình tôi không còn lo lắng thiếu nhân công làm đất, hiệu quả của máy gấp 5 lần so với công lao động phổ thông. Đặc biệt, máy rất dễ sử dụng nên tôi thường xuyên mượn về tự điều khiển”.
Theo ông Đỗ Công Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thọ, những năm gần đây, một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được nông dân chuyển đổi sang trồng hoa màu. Hiện nay, diện tích hoa màu trên địa bàn xã khoảng 150ha. Để sản xuất cây hoa màu, với diện tích trên, người dân phải mất khoảng 30.000 công lao động, tương đương 200 công/ha (200.000 đồng/công) từ công cày đất, đánh rãnh đến bón phân… chí phí hết khoảng 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu dùng máy làm đất hoa màu của ông Trí, chi phí làm đất chỉ khoảng 8 triệu đồng/ha.
“Việc ông Trí chế tạo thành công máy làm đất hoa màu góp phần rất lớn trong việc giải quyết thiếu hụt nhân công vào vụ mùa cho người dân, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã Ninh Thọ đã nhân rộng được 3 máy làm đất loại này”, ông Tân nói.
Theo Khánh Hà (Báo Khánh Hòa)