TP.HCM sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động



Các trạm quan trắc tự động sẽ gửi dữ liệu chất lượng không khí về trung tâm. Sau đó, dữ liệu này sẽ được xử lí và đưa lên bảng điện tử trên các trục đường và phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có những biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Thông tin này được ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM tại buổi họp báo công bố thông tin “Hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.HCM” diễn ra chiều 09/10.

Ông Cao Tung Sơn, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, công bố thông tin về ô nhiễm không khí tại TP.HCM trong thời gian qua. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Cao Tung Sơn, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, công bố thông tin về ô nhiễm không khí tại TP.HCM trong thời gian qua. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Sơn cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 30 vị trí quan trắc chất lượng không khí với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm, sáng (7h30 đến 8h30), chiều (15h đến 16h). Hiện nay việc quan trắc chất lượng không khí mà đơn vị đang thực hiện dùng phương pháp thủ công gián đoạn từ việc lấy mẫu, phân tích mẫu, sa hình hóa. Do đó, phương pháp này sẽ mất thời gian hơn so với việc thực hiện quan trắc chất lượng không khí bằng trạm tự động.

Vì thế, trong năm 2020, đơn vị sẽ đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động di động. Đến năm 2030 sẽ hoàn chỉnh 18 trạm cố định. Trạm quan trắc tự động sẽ gửi dữ liệu chất lượng không khí về trung tâm. Sau đó, dữ liệu này sẽ được xử lí và đưa lên bảng điện tử trên các trục đường và phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có những biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Ông Sơn cũng cho biết, đơn vị sẽ xúc tiến các hoạt động kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân để thực hiện việc này.

Cũng theo ông Sơn, diễn biến hiện tượng mù quang hóa dẫn đến ô nhiễm không khí tại TP.HCM trong tháng 9 vừa qua là hiện tượng tự nhiên trong khoảnh khắc giao mùa từ mùa thu sang đông và đông sang xuân. Hiện tượng này diễn biến tại TP.HCM từ năm 2015 và có tính chu kỳ.

 Ông Sơn cho biết, dự báo mù quang hóa tại TP.HCM sẽ diễn ra vào tháng 10. Tuy nhiên, hiện tượng này lại xảy ra sớm hơn. Việc dự báo chưa kịp thời là do phương pháp quan trắc thủ công có nhiều hạn chế và ảnh hưởng đến dự đoán.

Không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Hà Thế An.

Không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Hà Thế An.

 Trung tâm khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông hay các hoạt động ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài, người dân cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt, hạn chế sử dụng nước mưa, tránh phơi thực phẩm ngoài trời.

 Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu do bụi lơ lửng và tiếng ồn từ các hoạt động giao thông. Trong đó, số liệu quan trắc nồng độ các chất ô nhiễm tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Tại vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.

 Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, theo ông Sơn, đến từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi TP HCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.

Hà An