Giấy lọc nước làm từ tảo
Loại giấy lọc nước mới này được cấu tạo chủ yếu từ các sợi nano cellulose lấy từ loài tảo xanh Pithophora rất phổ biến trong môi trường nước ngọt ở Bangladesh, nuôi cấy tại Khoa Thực vật Botany Đại học Dhaka, sau đó mang đi xử lý và gửi đến Thụy Điển để làm ra giấy lọc.
Bangladesh là nước đang phát triển và là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Có đến 4 triệu người tại đây không được tiếp cận nguồn nước uống an toàn.
Việc không được tiếp cận với nguồn nước sạch là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm, suy nhược và thường nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, cư dân nước này sẽ sớm lọc được gần như toàn bộ các vi sinh vật gây hại ra khỏi nước bằng cách sử dụng một loại giấy có nguồn gốc từ tảo.
Loại giấy lọc nước mới này được cấu tạo chủ yếu từ các sợi nano cellulose lấy từ loài tảo xanh Pithophora rất phổ biến trong môi trường nước ngọt ở Bangladesh, nuôi cấy tại Khoa Thực vật Botany Đại học Dhaka, sau đó mang đi xử lý và gửi đến Thụy Điển để làm ra giấy lọc. Vật liệu chi phí thấp này chứa các lỗ nhỏ xíu, chỉ rộng 20 nanomet, kích thước được thiết kế để cho phép nước đi qua còn virus và vi khuẩn bị giữ lại.
Qua các thử nghiệm, cho thấy màng lọc này có khả năng loại bỏ được 99,999% tất cả các loại vi khuẩn và vi-rút gây bệnh, điều mà ngay cả nhiều hệ thống lọc nước hiện đại cũng chưa làm được, xuất phát từ vùng nước bị ô nhiễm lấy từ sông Turag và hồ Dhanmondi của Bangladesh.
Và không giống như cây thân gỗ tạo nên giấy lọc truyền thống, tảo Pithophora có chi phí trồng, thu hoạch và chế biến rất rẻ ngay trong các khu cư dân, đòi hỏi tương đối ít máy móc hạng nặng hay hạ tầng khác. Tuy nhiên, hiện hệ thống chỉ hoạt động trong các điều kiện rất đặc biệt. Trong tương lai, màng lọc này có thể sẽ được sản xuất, phân phối với giá rẻ và có thể dễ dàng lắp đặt tại các nguồn nước công cộng cũng như tư nhân.
Được biết giấy lọc từ tảo này nằm trong một dự án nghiên cứu có sự tham gia của Trường đại học Uppsala của Thụy Điển và Đại học Dhaka của Bangladesh.
Giáo sư Khondkar Siddique-e-Rabbani của Đại học Dhaka, đồng thời là điều phối viên dự án, cho biết: “Tiếp cận với nước sạch sẽ đóng góp lớn cho sự cải thiện sức khỏe, do đó sẽ giảm được đói nghèo. Chúng tôi lạc quan rằng thông qua sự phát triển tương lai của các thiết bị, giấy lọc được sản xuất từ tảo trồng tại địa phương sẽ hữu ích trong việc ngăn ngừa các bệnh sinh ra trong nước có tiềm năng gây chết người và cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người”.
Rabbani cũng cho biết dự án giấy lọc nước từ tảo là một trong những dự án mới nhất mà ông tham gia, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng khoa học và công nghệ nên phù hợp với người dân. Việc kết hợp nghiên cứu với tinh thần kinh doanh là một con đường đưa đất nước tiến về phía trước”.
Theo Anh Kiệt (CAND)