Hô biến quần jean cũ thành túi xách

Ngay trên ghế nhà trường, các bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp sáng tạo từ những vật dụng tưởng chừng bỏ đi. Chiếc quần jean cũ kỹ được 'hô biến' thành túi xách đẹp mắt, vỏ hộp diêm nhỏ xíu được tái chế thành quà tặng độc đáo.

Điểm chung của những người trẻ này là luôn trăn trở trước vấn nạn ô nhiễm môi trường. Họ theo đuổi lối sống xanh, khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với khả năng của mình.

Hải Yến, cô chủ nhỏ của tiệm may handmade, tái chế quần jean, bao bì nilông - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Hải Yến, cô chủ nhỏ của tiệm may handmade, tái chế quần jean, bao bì nilông - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Túi xách từ... quần jean

Tốt nghiệp Trường ĐH Lao động - xã hội Hà Nội, Nguyễn Thị Hải Yến (24 tuổi, quê ở Bắc Ninh) về quê mở một tiệm nhỏ làm đồ handmade. Điểm khác biệt là sản phẩm của cô nàng này đều làm từ đồ thừa.

Yến chia sẻ, sản phẩm của tiệm gồm túi xách, balô, túi chéo, túi vải tote, túi đựng bình nước được tái chế từ quần áo cũ còn tốt mà bạn bè để lại. May xong túi xách, phần vải thừa Yến bỏ vào những chai nhựa, tận dụng làm gạch sinh thái.

Mới đây, cô nàng cho "ra lò" sản phẩm túi xách độc đáo từ những chiếc quần jean cũ, nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng. "Từ chiếc quần jean, mình biến nó thành một sản phẩm hoàn toàn mới mà vẫn tận dụng những họa tiết của sản phẩm cũ. Chính điều này làm cho túi xách của mình sáng tạo hơn", Yến tâm đắc.

Túi xách làm từ chiếc quần jean cũ là ý tưởng sáng tạo của Hải Yến - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Túi xách làm từ chiếc quần jean cũ là ý tưởng sáng tạo của Hải Yến - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Không chỉ mua trực tiếp tại cửa hàng, nhiều vị khách ngỏ ý đặt sản phẩm từ chiếc quần jean cũ họ mang đến, Yến đều vui vẻ nhận lời. Cô cho biết giá các mặt hàng tại tiệm không cao hơn 350.000 đồng, rẻ hơn so với sản phẩm được may bằng vải mới hay vải chuyên dụng.

Đam mê sáng tạo từ thời sinh viên, ra trường Yến quyết định không xin việc mà về quê nhà khởi nghiệp, tự tạo công ăn việc làm cho bản thân. Bắt tay thực hiện cùng với một người bạn cũng đau đáu trước vấn nạn môi trường sống hiện nay, cả hai quyết định khởi nghiệp theo lối sống xanh. "Đi theo xu hướng này khá ổn định, khách hàng hiện nay rất quan tâm đến môi trường, quan tâm đến sản phẩm sáng tạo", Hải Yến bày tỏ.

Hộp diêm điều ước

Thúy An với ý tưởng tận dụng những hộp diêm cũ, biến chúng thành hộp diêm điều ước với lời nhắn dễ thương - Ảnh: HÀ THANH.

Thúy An với ý tưởng tận dụng những hộp diêm cũ, biến chúng thành hộp diêm điều ước với lời nhắn dễ thương - Ảnh: HÀ THANH.

Tại hội chợ "sống xanh" vừa diễn ra ở Hà Nội, có một gian hàng khá ấn tượng khiến nhiều bạn trẻ liên tưởng đến câu chuyện cổ tích Cô bé bán diêm. Cô sinh viên Phạm Thúy An (21 tuổi, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) - chủ nhân gian hàng - bày bán những chiếc hộp diêm điều ước nhỏ xinh khá độc đáo.

"Gửi bố, mẹ", "Đừng lo lắng", "Bạn rất dễ thương", "Điều đó có thể đáng sợ, có thể khó, dường như là không thể"... những lời nhắn giản dị phía ngoài chiếc hộp kích thích trí tò mò của nhiều bạn trẻ. Bị cuốn hút bởi hình dáng bên ngoài, họ mua ngay cho mình vài ba hộp diêm để đọc tiếp những lời nhắn bí mật bên trong.

"Mình sử dụng vỏ hộp diêm cũ, sau đó dán, vẽ lên những lời nhắn, viết tiếp lời nhắn vào trong hộp diêm. Thường thì các bạn trẻ nhắn tin trên Facebook, điện thoại sẽ ít cảm xúc, nhưng khi nhận được lời nhắn qua hộp diêm, người nhận khi mở nó ra sẽ bất ngờ, vui thích", Thúy An chia sẻ. Còn que diêm thừa ở phía trong, cô nàng cũng tái chế thành những mô hình khác.

Một năm trước, Thúy An bắt đầu quảng bá sản phẩmh, giá mỗi hộp diêm là 20.000 đồng. Đang là sinh viên, Thúy An chủ yếu bán hàng online, cuối tuần tranh thủ đến các phố đi bộ ở Hà Nội bày bán sản phẩm. Thúy An cho biết khách du lịch rất thích những sản phẩm tái chế này của cô. Nhờ vậy, An thu về từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày nhờ bán hộp diêm điều ước.

Những chiếc hộp diêm làm quà tặng với lời nhắn nhủ dễ thương đến cha mẹ, bạn bè - Ảnh: HÀ THANH.

Những chiếc hộp diêm làm quà tặng với lời nhắn nhủ dễ thương đến cha mẹ, bạn bè - Ảnh: HÀ THANH.

Cô bảo mình luôn cố gắng cải thiện, trang trí nét vẽ ở vỏ hộp sao cho đẹp mắt để thu hút mọi người, đồng thời cố gắng tìm lời nhắn ý nghĩa, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Dịp này, cô đưa sản phẩm đến các hội chợ, cộng đồng sống xanh để "trình làng" với mong muốn giới thiệu đến nhiều bạn trẻ về những cách làm hay để tái sử dụng đồ cũ.

Gian hàng của Thúy An luôn sử dụng túi giấy, túi vải thân thiện với môi trường khi gói quà cho khách. "Mình mong muốn các sản phẩm handmade, tái chế của mình được mọi người biết đến rộng hơn, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm", Thúy An bày tỏ.

Hướng dẫn cách tái chế đồ cũ

Không chỉ chuyên tâm vào may mặc, Hải Yến còn nhiệt tình hướng dẫn khách cách may vá, khuyến khích họ tự tái chế đồ cũ. Bên cạnh đó Yến còn tham gia nhóm cộng đồng sống xanh, cộng đồng tái chế, thường xuyên đăng tải trên Facebook các cách làm hay về tận dụng vải thừa, bao bì nilông.


Theo Thanh Hà (Tuổi Trẻ)