Sáng chế... 15 triệu đồng

Trên nền tảng động cơ có sẵn, nhóm tác giả thuộc Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã chế tạo ra mô hình động cơ phun xăng điện tử với chi phí chỉ 15 triệu đồng. Mô hình được người học đánh giá cao vì trực quan, dễ hiểu.

Mô hình do nhóm tác giả Cao Văn Tuyền, Đỗ Cao Nguyên và Phạm Xuân Huyên (Khoa Cơ giới Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi) sáng chế có thể được dùng trong giảng dạy nghề sửa chữa ô tô với 5 module khác nhau.

sangche_15_triệu.jpg

* Đơn giản hóa sự phức tạp

Những năm gần đây, công nghệ sửa chữa ô tô là nghề “hot” được nhiều người theo học bởi cơ hội có việc làm sau khi ra trường cao. Tuy vậy, trong quá trình học, học viên gặp không ít khó khăn. Đáng kể nhất là nội dung sửa chữa hệ thống phun xăng, đánh lửa điện tử.

Nhiều thiết bị tự tạo

Sinh viên Nguyễn Văn Thắm (học viên nghề sửa chữa ô tô Khoa Cơ giới) cho hay: “Ngoài mô hình động cơ phun xăng điện tử, tên của thầy Nguyên và các giáo viên khác còn được in trên nhiều thiết bị dạy nghề của trường. Các thiết bị dạy nghề mà các thầy “chế” ra đã giúp ích rất nhiều cho sinh viên chúng tôi”.

Hiện nay, thiết bị dùng để giảng dạy học phần này có 2 dạng: có mô hình thực tế nhưng không có sơ đồ các mạch điện hoặc thiết bị có sơ đồ nhưng bao quát toàn bộ hệ thống với quá nhiều mạch. Cả hai dạng thiết bị này khiến cho học viên rất khó hình dung, quan sát hoặc gây nhiễu thông tin. Để học được phần này, học viên phải có kiến thức tổng quát về điện, điện tử và cơ khí. Đây thực sự là một học phần rất khó, đặc biệt là đối với học sinh hệ trung cấp.

Xuất phát từ thực tế trên, nhóm tác giả Cao Văn Tuyền, Đỗ Cao Nguyên và Phạm Xuân Huyên đã sáng tạo nên mô hình động cơ phun xăng điện tử nhằm phục vụ công tác giảng dạy.

Nhóm dùng động cơ 1NZ-FE (động cơ phun xăng điện tử của xe Toyota Vios-2003) làm mô hình giảng dạy. Để học sinh dễ hiểu, nhóm đã thiết kế các bảng sơ đồ mạch tương ứng với các mạch trên động cơ gồm: sơ đồ mạch điều khiển nhiên liệu, sơ đồ mạch điều khiển đánh lửa, sơ đồ mạch cảm biến. Với việc tách bạch từng hệ thống mạch riêng biệt, học sinh thuận tiện hơn khi quan sát, không bị nhiễu loạn thông tin. Nhờ đó, các em nắm lý thuyết một cách dễ dàng hơn.

Đặc biệt, các mạch của những sơ đồ này được kết nối với động cơ bằng giắc cắm. Người học có thể tương tác trên bảng sơ đồ này để hiểu rõ các chi tiết máy. Ngoài ra, nhóm còn viết một phần mềm và kết nối với toàn bộ hệ thống kể trên. Mọi thông số kỹ thuật đều hiện lên trên máy tính khi học viên thực hành. Điều này giúp cho việc kiểm tra, sửa chữa được thuận lợi hơn. Với mô hình này, mọi sự phức tạp, rối rắm của môn học trở nên đơn giản với người học.

* Tiết kiệm chi phí

Sinh viên Nguyễn Văn Thắm, lớp ND37SC (nghề sửa chữa ô tô Khoa Cơ giới) nhận xét: “Mô hình động cơ phun xăng điện tử mà thầy Nguyên cùng các giảng viên khác thực hiện đã thực sự giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong quá trình học. Việc tách bạch các hệ thống mạch giúp chúng tôi quan sát một cách dễ dàng. Khi thực hành, chúng tôi cũng tự kiểm tra được mình làm đúng hay sai nhờ có phần mềm máy tính. Ngoài ra, vì thực hành trên bảng mạch nên một người làm thì cả lớp đều quan sát được”.

Sửa chữa động cơ ô tô nhưng có thể kiểm tra trên máy tính. Đó là một trong những sáng tạo quan trọng trong mô hình động cơ phun xăng điện tử mà nhóm tác giả đã làm được. Yếu tố công nghệ thông tin, thiết bị thông minh đã được nhóm lưu tâm và phát triển. Sáng chế này phần nào đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo nhóm tác giả, mô hình nêu trên còn giúp người học nâng cao kỹ năng tra cứu sơ đồ mạch điện; kỹ năng chẩn đoán, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng trong hệ thống. Thiết bị này có thể dùng để giảng dạy tích hợp được cả kiến thức và kỹ năng thực hành về hệ thống phun xăng, đánh lửa điện tử. Điều này giúp giảng viên chủ động hơn trong việc kết hợp các phương pháp sư phạm để truyền tải kiến thức cho người học một cách khoa học, ít tốn công sức và hiệu quả nhất.

Là những giảng viên chuyên về nghề cơ giới trong khi mô hình đòi hỏi ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, vì thế, các giảng viên trong nhóm đã phải tự bổ sung thêm kiến thức ở lĩnh vực này. Các thầy đã tự mày mò thiết kế bản vẽ bảng sơ đồ mạch, tự viết phần mềm ứng dụng... Với việc tận dụng động cơ 1NZ-FE có sẵn tại trường và sự nỗ lực của cả nhóm, mô hình động cơ phun xăng điện tử đã hoàn thành với chi phí chỉ 15 triệu đồng. Thời gian thực hiện ý tưởng này là 3 tháng.

Không chỉ đơn giản hóa nội dung bài học, mô hình động cơ phun xăng điện tử nêu trên còn có thể dùng để giảng dạy cho nhiều bài học thuộc 5 module của nghề công nghệ ô tô. Cụ thể gồm: module bảo dưỡng, sửa chữa trang bị điện ô tô; module bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống phun xăng điện tử; module kiểm tra và hiệu chỉnh động cơ; module kiểm tra, sửa chữa PAN ô tô; module chẩn đoán trạng thái kỹ thuật ô tô.

Theo Hải Yến (Báo Đồng Nai)