Sáng kiến “đưa” tiếng M’Nông vào điện thoại dành giải thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục”

Hai nam sinh tại huyện nghèo Đắk G’Long của tỉnh Đắk Nông đã mày mò, thiết kế một phần mềm từ điển tiếng M’Nông sử dụng trên điện thoại thông minh. Sáng kiến vừa xuất sắc giành giải nhất trị giá 100 triệu đồng tại Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019.

Giao diện từ điển này

Giao diện từ điển này

Đây là 1 trong 5 công trình, sáng kiến xuất sắc  tại Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019.

Đại diện nhóm tác giả từ điển Việt - M’Nông cùng các tác giả khác lên nhận giải thưởng  BTC trao cho 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất của Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019.

Đại diện nhóm tác giả từ điển Việt - M’Nông cùng các tác giả khác lên nhận giải thưởng BTC trao cho 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất của Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc 3 nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Sản phẩm Từ điển tiếng Việt- M’Nông mini sử dụng phần mềm SQLite để tạo ra một file lưu trữ từ cần dịch là: luutru.Db nằm trong thư mục Assets của phần mềm từ điển Việt- M’Nông, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu học tập và làm việc liên quan đến tiếng M’Nông, tiếng Mạ tại các tỉnh Tây Nguyên.

Điều đặc biệt là cuốn từ điển “mini” do hai nam sinh K’Brắk (dân tộc Mạ) và Nguyễn Văn Nam,Trường THPT Đắk G’Long (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) thực hiện với sự hướng dẫn của thầy giáo Văn Thành Đạt. Đây không phải là bản giấy truyền thống mà nó được “số hóa”, trở thành một ứng dụng trên hệ điều hành android.

Sau khi hoàn thành cơ bản phần mềm từ điển này đưa lên kho ứng dụng, liên tục cập nhập phiên bản mới nhất và hoàn chỉnh nhất. Cho đến nay phần mềm được cập nhật khoảng 10.000 từ, khi tra 1 từ tiếng M’Nông, người dùng sẽ nhận được giải thích nghĩa, giải thích cách dùng và từ loại…

Đề tài khoa học “Từ điển tiếng Việt- tiếng M’Nông trên hệ điều hành android”, trước đó đã được Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đánh giá cao vào trao giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi cấp tỉnh.

Thảo Hiền