Học sinh cấp 3 sáng chế thành công xà phòng diệt khuẩn từ dây vác
Sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu, 2 em Nguyễn Đình Tuấn Anh và Trần Trọng Phúc, học sinh lớp 11 trường THPT Tân Hiệp (huyện Châu Thành, Tiền Giang) đã sáng chế thành công sản phẩm “Xà phòng diệt khuẩn từ dây vác”. Sản phẩm này có công dụng diệt khuẩn và dưỡng da rất hiệu quả, được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chứng nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt trên 99,99%.
Em Nguyễn Đình Tuấn Anh cho biết, ý tưởng sáng chế ra sản phẩm trên xuất phát từ thực tế những lần nhìn thấy mẹ sử dụng dây vác nấu nước để tắm và trị chứng rôm sẩy cho đứa em ở nhà. Từ đó, em nảy sinh ý tưởng sử dụng dây vác và một số thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên để sáng chế ra một loại xà phòng có công dụng diệt khuẩn kết hợp dưỡng da nhưng ít gây tác dụng phụ cho người sử dụng. Người cộng sự đắc lực cũng là bạn học cùng lớp Trần Trọng Phúc vốn rất giỏi môn hóa hữu cơ.
Để tạo ra xà phòng, Tuấn Anh và Trọng Phúc áp dụng kiến thức môn hóa học hữu cơ về phản ứng xà phòng hóa triglixerit của hỗn hợp axit béo tạo thành muối (Na hoặc K) và glixerol.Một số nguyên liệu chủ yếu được tác giả sử dụng để sản xuất xà phòng gồm: Lá vác, dầu dừa, dung dịch kiềm (NaOH), tinh bột nghệ, tinh dầu oải hương, màu thực phẩm.
Quy trình sản xuất xà phòng được tiến hành qua các bước như sau: Sơ chế dây vác bằng cách đun sôi dây vác trong nước theo tỷ lệ 1:3, sau đó định lượng (đạt khoảng 34,8 gam) và để nguội; tiếp theo, cho dung dịch kiềm vào cốc chứa lá vác (làm nguội để đạt nhiệt độ 38oC); tiến hành đun cách thủy dầu dừa đến khi đạt 38oC thì dừng lại, đỗ hỗn dịch kiềm - dây vác vào, trộn đều cho đến khi dung dịch sánh lại (dùng máy xay cầm tay trộn đều từ 10-15 phút); tiếp theo, cho tinh bột nghệ, tinh dầu oải hương, màu thực phẩm vào và tiến hành đỗ khuôn (giữ nguyên trong 48 giờ); cuối cùng dùng dao sắc cắt xà phòng thành bánh, xếp ra khay có lót giấy thấm dầu.
Cô Lê Thị Thanh Loan – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Hiệp cho biết, 2 em Tuấn Anh và Trọng Phúc là học sinh giỏi của trường. Do đề tài nghiên cứu này thuộc chương trình hóa học hữu cơ lớp 12 nên Ban giám hiệu phân công cô Lý Như Anh chịu trách nhiệm giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ các em về lý thuyết cũng như các bước tiến hành thí nghiệm đảm bảo an toàn. Sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu, 2 em Tuấn Anh và Trọng Phúc đã cho ra đời sản phẩm “Xà phòng diệt khuẩn từ dây vác” có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên, không sử dụng hóa chất và thân thiện với môi trường.
Sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn ngoại quan của bánh xà phòng tắm theo tiêu chuẩn Việt nam TCVN 2224:1991. Trong đó: Kết cấu bánh chắc, mịn, không có vết rạn nứt; màu sắc vàng, tươi sáng, đồng nhất; mùi thơm dễ chịu; có độ nhớt và khả năng tạo bọt tốt; độ pH thấp hơn (pH = 9,2) so với xà phòng diệt khuẩn hiện có trên thị trường (pH=10,1). Sản phẩm được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chứng nhận có khả năng diệt được 3 chủng vi khuẩn (gồm: Salmonella gây bệnh thương hàn; Escherichia coli gây tiêu chảy, đau bụng, sốt, nhiễm trùng đường ruột; Bacillus cereus gây đại tiện ra nước, cơ bụng bị chuột rút) và 1 chủng nấm Candida albicans (gây bệnh ngoài da, đốm trắng trên lưỡi và miệng…) với tỷ lệ diệt khuẩn đạt trên 99%.
Cô Lý Như Anh, giáo viên hướng dẫn Tuấn Anh và Trọng Phúc thực hiện nghiên cứu cho biết, “Xà phòng diệt khuẩn từ dây vác” do Tuấn Anh và Trọng Phúc tạo ra được thực hiện bằng phương pháp xà phòng nguội (đun nóng ở nhiệt độ dưới 40oC) nên có chi phí thấp (tiết kiệm nhiên liệu), dễ thực hiện và thao tác cũng đơn giản hơn so với phương pháp sản xuất xà phòng nóng (đun nóng ở nhiệt độ từ 70- 80oC). Về đánh giá cảm quan khi sử dụng sản phẩm này, cô Anh cho biết, xà phòng do các em tạo ra có nhiều bọt, rửa tay mau sạch, không làm rít da như một số xà phòng khác (do sử dụng hóa chất tẩy rửa). Đặc biệt, điểm mới của nghiên cứu này là 2 em đưa dây vác vào sản phẩm của mình (thành phần này chưa thấy công bố đối với các loại xà phòng diệt khuẩn hiện có trên thị trường) kết hợp với tinh bột nghệ, hàm lượng dầu dừa còn dư (do các em tính toán) sau khi phối trộn với hỗn dịch kiềm - dây vác và lượng glixerol được tạo ra trong phản ứng xà phòng hóa đã giúp cho sản phẩm này vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa có công dụng dưỡng da rất tốt. Kết quả đánh giá cảm quan của 40 khách hàng là giáo viên và học sinh của Trường THPT Tân Hiệp sau khi dùng thử sản phẩm nhìn chung đều khá hài lòng về chất lượng xà phòng do Tuấn Anh và Trọng Phúc sáng tạo ra.
Được biết, giải pháp “Xà phòng diệt khuẩn từ dây vác” của 2 tác giả trẻ Nguyễn Đình Tuấn Anh và Trần Trọng Phúc được trao giải Nhất Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm học 2018-2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang tổ chức.
Theo Huỳnh Văn Xĩ – Hồng Yến (VUSTA)