Thạc sỹ Việt sáng chế thành công máy xét nghiệm nhanh Covid-19 giá rẻ
Thạc sỹ Ngô Quốc Nam và các cộng sự mới đây đã phát triển máy xét nghiệm sàng lọc Covid-19 di động giá rẻ bằng 1/10 các thiết bị đang nhập khẩu mà vẫn cho kết quả có độ chính xác cao sau 2 tiếng.
Với 13 năm kinh nghiệm nghiên cứu về về sinh học phân tử, và nền tảng đã phát triển thành công hai dòng máy PCR và điện di tích hợp, sản xuất theo công nghệ Việt xuất khẩu sang Mexico vào năm 2018, Thạc sỹ Ngô Quốc Nam (64 tuổi) và cộng sự tại Công ty TNHH MTV sinh hóa Phù Sa (Cần Thơ) vào năm 2020 đã bắt đầu nghiên cứu phát triển một thiết bị đọc Spotcheck SC48 hoạt động cùng với máy PCR giúp tầm soát người nhiễm Covid-19 với chi phí thấp.
Sáng chế của Thạc sỹ Ngô Quốc Nam hoạt động tương tự như các máy xét nghiệm Realtime PCR hiện hành nhưng khác nhau ở hệ đọc kết quả quang học.
Thiết bị đọc Spotcheck với đầu đọc huỳnh quang thu nhận tín hiệu ở bước sóng 530 nm được phát ra bởi phức hợp DNA – Green Dye dưới kích thích của ánh sáng xanh (450 – 460 nm). Sau phản ứng PCR, thiết bị đọc phân tích mẫu dựa trên sự kết hợp ánh sáng và nhiệt độ. Khi thu thập hình chụp độ sáng của từng mẫu PCR ở ba nhiệt độ khác nhau Spotcheck phân tích và đưa ra kết quả cuối cùng ở bốn dạng: P (Positive – dương tính), N (Negative – âm tính), R (Unresolved – không xác định) và E (Error- lỗi).
Theo ông Nam, thiết bị đọc cho kết quả chỉ xác định định tính mẫu âm tính hay dương tính, còn kết quả định lượng, tức nồng độ virus (nếu có) trong mẫu thì thiết bị không xác định được.
Hiện nay, phương pháp xét nghiệm của cơ quan y tế chỉ cần sử dụng kết quả định tính để phục vụ cách ly điều trị và truy vết "kết quả định lượng ít khi sử dụng nên sản phẩm này hoàn toàn có thể ứng dụng", ông Nam nói.
Thạc sỹ cũng cho biết thiết bị đọc có thể phân biệt được các trường hợp âm tính giả do hóa chất, do mồi, do quá trình trích ly RNA... và truyền kết quả về trung tâm xử lý. Thiết bị có thể đọc trực tiếp kết quả trên ống PCR, không cần mở nắp ống để tránh bay hơi sản phẩm sau phản ứng PCR. Spotcheck có thể hoạt động tương thích với các máy PCR đang có hiện nay.
So với các máy Realtime PCR tốc độ đọc của sản phẩm không nhanh hơn với thời gian xử lý và phân tích từ 2 giờ đến 2,5 giờ cho 96 đĩa. Ngoài ra, hộp đựng sinh phẩm kit test hiện nay phải sử dụng tủ lạnh nhiệt độ 2 - 8 độ C để lưu trữ, vận chuyển. Còn các sinh phẩm kit test của nhóm nghiên cứu có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng 25 độ C - 35 độ C mà không ảnh hưởng đến hiệu suất.
Đặc biệt, theo trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trên 80%, còn lại nhập khẩu chip từ nước ngoài, do đó, chi phí để tạo nên sản phẩm do nhóm phát triển có giá chỉ bằng 1/10 so với mức giá nhập khẩu thiết bị xét nghiệm Realtime PCR khoảng 1 - 2 tỷ đồng như hiện nay.Thiết bị vừa được Bộ Y tế thẩm định và đang chờ chấp thuận cấp phép lưu hành trên thị trường.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, sản phẩm có thể đến với các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới... vì những nơi này không có điều kiện mua những máy xét nghiệm có chi phí lớn. Sản phẩm giúp hỗ trợ các địa phương này tầm soát người nhiễm Covid-19. Sau khi có kết quả dương tính, những người này được cách ly ngay. Mẫu bệnh phẩm của họ được đưa đi xét nghiệm lần nữa để thể hiện kết quả khẳng định. "Mẫu xét nghiệm âm tính cho kết quả chính xác 100%, còn dương tính vẫn có sai số nhỏ, tuy nhiên hệ thống sẽ không bỏ sót một trường hợp dương tính nào", ông Nam nói.
Sản phẩm nằm trong đề tài nghiên cứu cấp Bộ Khoa học và Công nghệ với kinh phí tài trợ 9 tỷ đồng, một phần kinh phí còn lại do doanh nghiệp tự chủ. Hiện, nhóm nghiên cứu tham gia chương trình Tăng tốc khởi nghiệp Sihub - Expara mùa 3 do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức nhằm tìm kiếm nguồn đầu tư, đối tác phát triển sản phẩm.
THEO THÁI AN
(Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo)