Áo ACG - Sáng chế giúp hỗ trợ nhân viên y tế chiến đấu với 'giặc dịch' tại tuyến đầu
Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN mới đây đã nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm áo hạ nhiệt cho nhân viên y tế trong mùa dịch nhằm đáp ứng như cầu hỗ trợ công tác chiến đấu tại các điểm nóng của dịch bệnh COVID-19.
Thời gian qua, cùng với những diễn biến phức tạp của dịch bênh cộng thêm thời tiết nắng nóng đỉnh điểm đã khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tuyến đầu đối với đội ngũ y, bác sĩ trở nên vất vả hơn trong bộ đồ bảo hộ.
Hiểu được những khó khăn đó, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN (Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN) với sự tư vấn y khoa của nhóm các bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y tế công cộng và Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock đã phát triển thành công chiếc áo ACG (gi-lê làm mát) để làm giảm hiệu ứng sốc do nhiệt của nhân viên y tế trong các hoạt động chống dịch.
Áo gi-lê được làm từ vải không dệt tráng Polyphenyl Ether chống nước và được thiết kế theo chiều cao trung bình của người Việt, có thể dễ dàng thao tác (mặc/cởi áo/cúi…), dễ dàng vệ sinh, cấp đông và tái sử dụng.
Vật liệu chuyển pha dùng trong sản phẩm này là hỗn hợp polyme và muối ăn đã được chứng nhận chất hợp chuẩn là chất không độc hại của 3 thị trường khó tính nhất là Mỹ (TSCA), EU (EINECS) và Nhật Bản (ENCS). Vật liệu được đóng thành gói riêng, có thể tháo ra, thêm vào áo gi-lê một cách dễ dàng.
Áo được thiết kế để làm giảm nhiệt cục bộ trong không gian thiết bị bảo hộ y tế mà nhân viên y tế mặc trong quá trình làm việc, lấy mẫu hoặc điều trị bệnh nhân COVID. Áo gồm 2 thành phần chính: Vật liệu chuyển pha và áo gi-lê.
Thử nghiệm ở nhiệt độ 35 độ C (môi trường), áo cho thời gian tăng nhiệt từ 21 độ C lên 32 độ C trong vòng 2 giờ, sau đó ổn định tốt ở 32 độ C trong vòng hơn một giờ. Tổng trọng lượng của áo là 1,3 kg, phù hợp với thể trạng người Việt, nhất là với những điều dưỡng có thân hình nhỏ nhắn để họ có thể mang và làm việc trong nhiều giờ.
Tính tới nay, đã có 1.000 sản phẩm áo hạ nhiệt được bàn giao cho hơn 20 đơn vị y tế trong cả nước như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; Khoa Khám bệnh (Bện viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng) và một số bệnh viện tại TP. HCM.
Dự kiến, sản phẩm sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp để phát triển và thương mại hóa, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
THEO THÁI AN
(Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo)