Ông Bảy Nhiệm và con lăn tiết kiệm điện

Cởi áo giám đốc về hưu, ông Bảy Nhiệm trở thành một lão nông nuôi tôm ở Sóc Trăng. Vốn kiến thức của 36 năm trong ngành điện đã giúp ông làm lợi cho mình, cho người bằng một ý tưởng nho nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao.

Nhờ dàn quạt oxy có gắn gối đỡ con lăn, mỗi năm bà Nguyễn Mai Thảo (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) tiết kiệm tiền điện không dưới 10 triệu đồng - Ảnh: KT.

Nhờ dàn quạt oxy có gắn gối đỡ con lăn, mỗi năm bà Nguyễn Mai Thảo (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) tiết kiệm tiền điện không dưới 10 triệu đồng - Ảnh: KT.

Trong những tháng khô hạn này, cứ đến lúc trả tiền điện hằng tháng là nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đều cảm ơn những người đã sáng chế và hỗ trợ ý tưởng hình thành con lăn thay thế cho gối chữ U dùng trong các dàn quạt tạo oxy nuôi tôm.

Tiết kiệm 20% tiền điện

Ông Mai Văn Đấu (xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu) có thâm niên nuôi tôm gần 20 năm. Giống như nhiều nông dân ở đây, ông Đấu cũng gắn dàn quạt cho các ao tôm để tạo oxy. "Thấy mọi người làm quạt nước, tôi học làm theo. Miễn quạt quay, nước trong ao xoay chiều, tôm khỏe mạnh là mừng rồi, đâu nghĩ đến chuyện tiết kiệm hay không tiết kiệm điện" - ông Đấu kể.

Mọi chuyện thay đổi từ đầu vụ nuôi tôm 2017. Nhân viên điện lực đến nhà ông Đấu giới thiệu giải pháp cải tiến tiết kiệm điện. Vừa nghe qua, ông ưng bụng nên đồng ý ngay. Cụ thể, ông Đấu thay toàn bộ gối đỡ chữ U cho dàn quạt bằng gối đỡ con lăn, đồng thời thiết kế điều chỉnh trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt.

"Không ngờ kết quả tuyệt vời. Cũng môtơ 2,2 mã lực, gối đỡ con lăn kéo dàn quạt 20 cánh khỏe như bò kéo xe, êm ru. Còn trước đó, gối đỡ chữ U chỉ kéo được 15 cánh quạt, kêu cọt kẹt, quay chậm thấy phát mệt" - ông Đấu kể lại.

Và đương nhiên, dàn quạt quay càng nhẹ nhờ giảm ma sát thì điện năng tiêu thụ cũng giảm theo đáng kể. Ông Đấu cho biết cải tiến này đã giúp gia đình ông giảm được khoảng 20% tiền điện hằng tháng. 

Tính ra, một năm nuôi 2 vụ tôm, gia đình ông Đấu tiết kiệm được 4 triệu đồng tiền điện. Thấy ông Đấu làm hiệu quả, bà con nuôi tôm cũng làm theo nên vào mùa khô hạn ở đây không còn cảnh thiếu điện.

Tham vọng nhiều giải pháp mới

Tổng số hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng khoảng 12.350 hộ với diện tích khoảng 50.000ha, mỗi năm nhu cầu sản lượng điện thương phẩm khoảng 269 triệu kWh.

Ông Huỳnh Minh Hải, giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, cho biết được sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam, năm 2016 Điện lực Sóc Trăng đã triển khai thí điểm hai mô hình tiết kiệm trong nuôi tôm. 

Đó là mô hình cải tiến sử dụng gối đỡ con lăn thay thế cho gối đỡ chữ U; và mô hình cải tiến sử dụng gối đỡ con lăn thay thế cho gối đỡ chữ U, kết hợp điều chỉnh trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt.

Theo ông Hải, từ khi triển khai đến nay, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã hỗ trợ trên 26.000 gối đỡ con lăn (loại đỡ và loại treo) cho 833 hộ nuôi tôm để ứng dụng trên 543ha với kinh phí 1,4 tỉ đồng. Đáng ghi nhận hơn, khi ứng dụng các mô hình trên, người nuôi tôm tiết kiệm được 15,2-38,7% điện năng.

Kết quả ghi nhận từ 161 hộ thí điểm, các hộ nuôi tôm tiết kiệm được 572.004 kWh/năm khi ứng dụng giải pháp 1, tương đương 951 triệu đồng. Không dừng lại ở đây, ông Hải cho biết Công ty Điện lực Sóc Trăng đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm điện mới có thể áp dụng trong nuôi trồng thủy sản để nhân rộng cho khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam Bộ.

Ông Bảy Nhiệm - Ảnh: KT.

Ông Bảy Nhiệm - Ảnh: KT.

Gặp "cha đẻ" của con lăn tiết kiệm điện

Ông Bảy Nhiệm có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Nhiệm (71 tuổi), nguyên giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng. Ông Bảy Nhiệm kể năm 2008 sau khi nghỉ hưu, ông về phụ gia đình nuôi tôm. Thời điểm đó tình hình điện căng thẳng lắm. Điện cho sản xuất còn thiếu hụt, nói chi đến phục vụ nuôi tôm.

Có lần, nghe "lóm" biết lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam về Sóc Trăng công tác, ông tìm gặp để "khóc lóc". Ông trình bày với lãnh đạo ngành điện rằng nuôi công nghiệp thiếu điện, như ngọn đèn dầu treo trước gió. Tôm đang khỏe mạnh, nếu thình lình cúp điện 30 phút, tôm sẽ chết đặc đáy ao.

Nghe đề xuất trên của cựu giám đốc Bảy Nhiệm thấu tình đạt lý, Sóc Trăng được Tổng công ty Điện lực miền Nam hỗ trợ nên giảm căng thẳng thiếu điện cho bà con. "Còn chuyện cải tiến gối đỡ con lăn là tình cờ thôi, không có gì cao xa đâu" - ông Bảy Nhiệm khiêm tốn nói.

Ông Bảy Nhiệm kể trong buổi chiều đi kiểm tra tôm, ông phát hiện dàn quạt oxy đặt trên gối đỡ chữ U bằng gỗ có ma sát cao và như vậy sẽ hao tốn nhiều năng lượng. Sau đó ông đặt hàng nhờ người làm gối đỡ bằng nhựa, trên đó có gắn hai con lăn, thay cho gối đỡ chữ U đang xài.

Thấy môtơ để trên bờ kéo trục cánh quạt chưa êm, mau hư dụng cụ, ông Bảy Nhiệm lại nảy ra ý tưởng đưa động cơ xuống nước. Bạn bè nuôi tôm nghe ông nói, xua tay ngăn cản: "Bảy à, bộ mày điên sao mà đưa điện xuống nước, không sợ bị giật chết sao?". 

Nghe vậy, ông chỉ còn biết cười trừ, nhưng quyết tâm bắt tay vào thử nghiệm, đưa môtơ điện xuống nước đặt trên phao đỡ, có gắn dây tiếp đất chống giật. Ông Bảy Nhiệm cho biết khi động cơ đồng trục với thanh sắt gắn dàn quạt, ít tốn điện, hiệu quả bất ngờ.

Sau khi thành công ở ao tôm nhà, đầu năm 2016 ông quyết định tìm về "mái nhà xưa" để gặp anh em ngành điện và được ủng hộ ngay. Công ty Điện lực Sóc Trăng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn làm thí điểm để có cơ sở đánh giá. Không ai khác, ông Bảy Nhiệm cho mượn ao tôm, cùng với cán bộ, nhân viên ngành điện hợp sức làm điểm trình diễn.

Năm 2018, sáng kiến "Dàn quạt oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm" của Tổng công ty Điện lực miền Nam giành giải nhất cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" do tạp chí Cộng Sản phối hợp Bộ Khoa học - công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức.

Ấp ủ tấm pin mặt trời nhất cử lưỡng tiện

Trong những ngày nắng nóng này, ông Bảy Nhiệm vẫn lăn lộn trên những ao tôm. Ông cho biết mình đang ấp ủ nhiều ý tưởng tiết kiệm trong nuôi tôm. Trước mắt, ông đi gặp nhiều người để nói về cái lợi của việc lắp đặt pin mặt trời trên ao tôm tận dụng nguồn năng lượng trời cho.

"Ngoài có điện cho nuôi tôm, tấm pin còn che nắng mưa cho ao tôm, giúp môi trường không biến động, nuôi tôm hiệu quả, thật là nhất cử lưỡng tiện" - ông chia sẻ.

THEO KHẮC TÂM

(Tuổi trẻ Online)