Tận dụng phế phẩm cây tràm làm ra tinh dầu

Thấy người dân thu hoạch tràm rừng U Minh chỉ lấy phần cây, bỏ lá nên ông Huỳnh Khánh Lập nảy ra ý tưởng làm tinh dầu tràm và đã làm nên thương hiệu dầu tràm U Minh Hạ

Lâu nay người tiêu dùng biết đến tinh dầu tràm xứ Huế, ít ai biết được ở xứ Cà Mau cũng có thương hiệu dầu tràm đặc trưng mang tên Khánh Lập, do một nông dân "chân đất" tự tìm ra bí quyết chưng cất tinh dầu để tận dụng nguồn nguyên liệu vô tận đang bị bỏ phế ở quê hương mình.

Chấp nhận thất bại để thành công

Những năm gần đây, cây tràm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân mưu sinh dưới tán rừng U Minh Hạ nhưng chưa ai nghĩ đến giá trị của lá tràm nơi đây mang lại. Với mong muốn tận dụng phế phẩm lá tràm sau khi người dân thu hoạch cây tràm bỏ đi, để không lãng phí, ông Huỳnh Khánh Lập (ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã tự học hỏi, nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra bí quyết chưng cất tinh dầu.

"Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất được xem là thủ phủ cây tràm nên lúc nào cũng trăn trở, mong muốn nâng cao giá trị loài cây này. Trước đây, tôi phải nghỉ học khi chưa học hết lớp 9 để lao vào mưu sinh, do gia cảnh khó khăn. Thấy người dân thu hoạch tràm chỉ lấy phần cây, bỏ lá nên tôi nảy ra ý tưởng làm tinh dầu tràm, bởi nguồn nguyên liệu này tại địa phương rất lớn" - ông Lập bày tỏ.

Ông Huỳnh Khánh Lập giới thiệu về sản phẩm tinh dầu tràm xứ U Minh Hạ của mình.

Trong quá trình thực hiện ý tưởng, ông Lập đã gặp vô vàn khó khăn. Năm 2012, ông Lập may mắn được một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc làm tinh dầu truyền đạt kiến thức về lĩnh vực này. Cơ duyên đó đã tiếp thêm niềm tin, động lực để ông Lập theo đuổi công việc còn nhiều bỡ ngỡ này. Để tích lũy thêm kiến thức, ông Lập lên các trang mạng tìm hiểu cách làm. Càng đi sâu tìm hiểu, ông lại càng say mê.

Khi đã trang bị được những kiến thức cơ bản, ông Lập quyết định thử nghiệm nhưng liên tiếp gặp thất bại do tinh dầu làm ra không đạt hoặc không đáp ứng trữ lượng như mong muốn.

"Có lúc tôi mua đến hàng tấn lá tràm để làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu nhưng sản phẩm làm ra phải bỏ đi do không đạt chất lượng. Tiếc lắm nhưng vì đã đam mê rồi nên không thể bỏ được" - ông Lập nhớ lại.

Với suy nghĩ "thắng không kiêu, bại không nản", ông Lập tiếp tục làm thử nghiệm để tìm cách khắc phục các hạn chế. Năm 2020, ông đã làm chủ hoàn toàn quy trình chưng cất và cho ra sản phẩm tinh dầu tràm đồng nhất về chất lượng.

Người tiên phong

Đến xã Trần Hợi, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể chỉ đường một cách rành mạch khi hỏi về ông Huỳnh Khánh Lập - người tiên phong làm tinh dầu tràm ở tỉnh cực Nam Tổ quốc.

Bí quyết của ông Lập là để có tinh dầu đạt chuẩn, lá tràm phải được hái trong ngày rồi rửa sạch. Sau đó, cho vào nồi chưng cất trong 6 giờ mới ra sản phẩm.

Khi có sản phẩm như mong muốn, ông Lập gửi các mẫu tinh dầu tràm đến Trung tâm Khoa học Công nghệ dược Sài Gòn (thuộc Trường Đại học Y Dược TP HCM) phân tích, đánh giá. Sau khi có kết quả đánh giá ổn, ông đăng ký logo và thương hiệu độc quyền.

Nồi chưng cất do ông Lập tự chế tạo nên còn một số hạn chế nhất định, mỗi ngày chỉ chưng cất được một lượt. Một tấn lá tràm nguyên liệu chỉ cho ra hơn 1 lít tinh dầu. Hiện sản phẩm tinh dầu tràm Khánh Lập được đóng gói dạng 10 ml, 20 ml, 30 ml và 50 ml…

Nhằm tạo sự đa dạng trong lựa chọn cho người tiêu dùng, ông Lập còn nghiên cứu và chế tạo thành công tinh dầu sả.

Anh Nguyễn Văn Hồi (ngụ TP Cà Mau, tài xế taxi) cho hay thường sử dụng tinh dầu tràm, sả của ông Lập để trong taxi nhằm tạo cảm giác dễ chịu cho hành khách khi đi xe. "Tôi thấy hành khách cũng thích vì hương thơm dễ chịu, hạn chế được khả năng say xe" - anh Hồi nói. Nhiều người dân như chị Nguyễn Thị Tròn (ngụ huyện Trần Văn Thời) đánh giá: "Tinh dầu tràm chứa những thành phần có công dụng xua đuổi muỗi rất hiệu quả nên được người dân nơi đây rất ưa chuộng".

Ý tưởng chưng cất tinh dầu từ lá tràm phế phẩm của ông Lập thành công không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ lân cận có thêm khoản thu nhập từ việc bán lá tràm, sả nguyên liệu. 

Đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương

Ông Huỳnh Khánh Lập cho biết sẵn sàng chuyển giao công nghệ chưng cất cho những ai có chung đam mê để nâng cao sản lượng dầu tràm U Minh Hạ. Bên cạnh việc kinh doanh tinh dầu, ông còn xây dựng các gian hàng bán đặc sản U Minh như: mật ong, muối kiến vàng… Qua đó, nhằm giới thiệu sản vật quê hương đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Chiến Lũy, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, đánh giá ý tưởng làm tinh dầu tràm của ông Lập là rất mới và sáng tạo. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để ông Lập đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.

THEO VÂN DU

(Báo Người Lao Động)