TP.HCM khởi động dự án về năng lượng phân tán đô thị

Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh của Thành phố thông qua đẩy mạnh các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, thu hút nguồn đầu tư xanh, giúp mang lại một môi trường xanh sạch hơn và chi phí năng lượng thấp hơn.

Ngày 20/9/2022, UBND TP.HCM cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khởi động dự án “Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam”. Đây là minh chứng về sự hợp tác giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp năng lượng sạch hơn và đáng tin cậy hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs khởi động dự án.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam” do USAID tài trợ với ngân sách 14 triệu USD (hợp tác với chính quyền TP.HCM và thành phố Đà Nẵng) hướng đến mục tiêu cải thiện công tác quy hoạch đô thị liên quan đến năng lượng sạch, huy động đầu tư và tích hợp các giải pháp năng lượng sạch vào hệ thống điện. Các giải pháp này bao gồm điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác.

Đối với TP.HCM, dự án dự kiến hỗ trợ triển khai ít nhất 400MW năng lượng sạch, huy động tối thiểu 540 triệu USD đầu tư công và tư nhân, đưa ra thị trường ít nhất 15 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh của TP.HCM thông qua đẩy mạnh các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, thu hút nguồn đầu tư xanh, giúp mang lại một môi trường xanh sạch hơn và chi phí năng lượng thấp hơn cho người dân, đồng thời tiếp tục củng cố vai trò đầu tàu của Thành phố đối với nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Dự án được khởi động dựa trên nền tảng hỗ trợ của USAID dành cho Việt Nam trong những năm qua trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch. Trong 5 năm qua, hỗ trợ của USAID dành cho các cơ quan quản lý của chính phủ, các ngân hàng, nhà đầu tư và các nhà phát triển dự án tư nhân đã giúp thúc đẩy đầu tư vào điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam với tổng giá trị hơn 300 triệu USD. Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng Quy hoạch Điện VIII, trong đó đặt ra tầm nhìn tổng thể và các nguyên tắc hoạt động cho ngành điện Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2030. USAID còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xây dựng tiêu chuẩn về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất công nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, USAID sẽ tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật cho các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết những vấn đề về năng lượng và môi trường đô thị. Dự án sẽ cân bằng danh mục đầu tư giữa các hoạt động dự án ở giai đoạn đầu đang thử nghiệm những cách tiếp cận mới với các dự án đã xây dựng sẵn sàng để triển khai. Kiến thức và số liệu có được thông qua các hoạt động đổi mới này sẽ được ghi lại và chia sẻ rộng rãi nhằm tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng phát triển năng lượng về những cách tiếp cận tốt nhất nhằm cải thiện an ninh năng lượng đô thị của Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 7/2022, USAID cũng cam kết đồng hành cùng Việt Nam tăng cường nguồn năng lượng tái tạo tại hội thảo “Giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về công nghệ, thiết bị điện - VIETNAM ETE và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh - ENERTEC EXPO 2022).

Là trung tâm kinh tế tài chính của cả nước, TP.HCM tập trung nhiều công trình xây dựng, cao ốc ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đại nên có nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn. Tuy nhiên, chi phí năng lượng tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, các vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngày càng được doanh nghiệp và người dân quan tâm nhiều hơn. Dự kiến giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố sẽ tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể như: hướng dẫn giám sát việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, nâng cao năng lực thu thập, xử lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu... Tất cả hướng đến triển khai cam kết Việt Nam phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình kinh tế sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả; đồng thời tiến tới giảm dần các nhà máy điện than, trong đó bao gồm giải pháp nhanh chóng phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Hoàng Kim (CESTI)